Nhiều động vật hoang dã thoát nguy cơ tuyệt chủng
Tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội, các chuồng thú được xây dựng sát nhau, phù hợp môi trường sống của từng loài. Mỗi chuồng nuôi đều có gắn bảng nội dung ghi rõ tên, đặc điểm của từng loài. Nơi đây thực sự là ngôi nhà thứ hai của hàng trăm loài ĐVHD. Mỗi cá thể đều được theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe thường xuyên.
Môi trường nuôi dưỡng, bảo tồn lý tưởng của Trung tâm đã và đang giúp một số loài ĐVHD quý hiếm thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn có phòng chăm sóc đặc biệt, trang bị điều hòa, quạt mát dành riêng cho những cá thể non nớt, bị tổn thương hay bị bệnh nặng cần điều trị tích cực.
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng chia sẻ, điều quan trọng là cứu chữa, chăm sóc nhưng không làm mất đi bản tính hoang dã của các loài để khi thả lại môi trường tự nhiên chúng dễ dàng hòa nhập, thích nghi.
Đối với những cá thể bị nuôi nhốt lâu không đủ điều kiện sinh tồn như mất tập tính hoang dã, mất chức năng vận động được chuyển vào khu phục hồi chức năng. Tại đây, Trung tâm có những phương pháp để phục hồi tập tính sinh thái và chức năng vận động cho chúng, rồi đưa ra khu thả bán hoang dã một thời gian để thích nghi dần, sau đó mới thả ra môi trường tự nhiên.
Với tổng diện tích 1ha, chuồng chật hẹp nên việc nuôi dưỡng, chăm sóc ĐVHD của trung tâm theo hướng chuyên môn hóa, đạt chuẩn tiêu chuẩn thú y thế giới vẫn chưa được như mong muốn. Điều trăn trở nhất của cán bộ, nhân viên trung tâm là do điều kiện chăm sóc hạn chế mà bất đắc dĩ đã phải từ chối không ít lần với các tổ chức, cá nhân liên hệ tiếp nhận.
Còn đó những khó khăn
Nói về tính chất công việc đặc thù, bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng cho hay, trong quá trình bị bắt giữ, vận chuyển đi tiêu thụ trái phép, ĐVHD rất dễ lây bệnh chéo giữa các loài với nhau và lây bệnh cho người khi tiếp xúc. Thời gian đầu, với bản năng sinh tồn, chúng sẵn sàng tấn công tất cả những đối tượng chúng cho là gây ra mối nguy hiểm.
Đặc biệt, những loài vật hoang dã bị con người vây bắt và làm tổn thương cơ thể thường trở nên hết sức hung dữ. Khi thấy bóng dáng con người, chúng luôn cảnh giác và sẵn sàng lao vào tấn công. Chỉ khi qua thời gian thuần dưỡng, chúng cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc ân cần của nhân viên thì chúng mới đáp lại bằng sự thân thiện, bản năng hung dữ giảm đi phần nào.
Không chỉ đối mặt với những nguy cơ tai nạn rình rập, Trung tâm còn nhiều hạn chế khi số ĐVHD đang được cứu hộ, bảo tồn tại đây thường xuyên quá tải so với cơ sở vật chất hiện có của đơn vị. Trong khi đó, quy trình chăm sóc ĐVHD cũng gặp không ít khó khăn. Việc chăm sóc, điều trị vết thương cho các cá thể ĐVHD rất vất vả trong điều kiện tác động, thay đổi của môi trường sống, khí hậu.
Ngoài phục vụ bữa ăn, vệ sinh định kỳ trong ngày, nếu con vật có sự cố về sức khỏe thì cán bộ kỹ thuật và nhân viên hầu như không được nghỉ ngơi. Đáng nói, việc xử lý vi phạm về buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các loài ĐVHD thường kéo dài cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác cứu hộ ĐVHD của đơn vị.
Từ thực tế công tác tiếp nhận, cứu hộ ĐVHD, ông Lương Xuân Hồng kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp ĐVHD. Mặt khác cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân từ bỏ thói quen sử dụng trái phép ĐVHD; đấu tranh xóa bỏ lối sống khoe khoang sự giàu sang qua việc sử dụng sản phẩm cấm như: ngà voi, nanh hổ… hay sử dụng sản phẩm từ ĐVHD quý, hiếm vì quan điểm nó có công dụng như "thần dược" đối với sức khỏe.
Thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để bảo vệ ĐVHD nhưng công tác này chưa thực sự hiệu quả do các quy định về công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thống nhất, nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh nhưng luật chưa theo kịp để điều chỉnh. Vì vậy, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐVHD là hết sức cần thiết.
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng