Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học sẽ dạy gì cho sinh viên

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/12, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chính thức khai trương Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học với mong muốn vừa phổ biến kiến thức Hán Nôm, vừa nghiên cứu văn hóa Trung Quốc để hỗ trợ cho sinh viên trong việc học các ngành văn hóa, du lịch, dịch vụ.

Giám đốc Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học - Tiến sĩ Trịnh Ngọc Ánh đã có một số chia sẻ với PV Báo KT&ĐT trong ngày khai trương Trung tâm.

Đáp ứng nhu cầu hội nhập

Lời đầu tiên xin chúc mừng Ban Giám hiệu nhà trường đã khai trương Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học (HN&TQH). Xin Tiến sĩ cho biết mục đích thành lập Trung tâm của nhà trường trong bối cảnh hiện nay là gì?

Giám đốc Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học Trịnh Ngọc Ánh

Trong hơn một nghìn năm của thời kỳ nhà nước phong kiến độc lập tự chủ, chữ Hán, chữ Nôm chính là phương tiện để ghi chép lại toàn bộ tri thức văn hóa, lịch sử, khoa học, tôn giáo, tư tưởng. Còn ngày nay, khi Việt Nam đang trong bước chuyển mình mạnh mẽ để hội nhập quốc tế thì tri thức Hán Nôm lại chính là chiếc cầu nối liền văn hóa dân tộc giữa truyền thống và hiện đại. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội hiện là trường đào tạo theo hướng đa ngành, kết hợp hướng nghiên cứu và ứng dụng, chú trọng đẩy mạnh hợp tác, liên kết đào tạo với các nước trong khu vực và quốc tế, vì thế sinh viên nhiều ngành trong trường có nhu cầu học tập để có vốn tri thức Hán Nôm và Trung Quốc học, đáp ứng đòi hỏi của thực tế lao động sau khi tốt nghiệp, trong bối cảnh nhiều trường đại học trong khu vực Hà Nội chưa có các hoạt động thiết thực quan tâm đầy đủ đến nhu cầu này.

Khoa Văn hóa - Du lịch - Dịch Vụ (VHDLDV) được thành lập theo chủ trương của UBND TP Hà Nội khi thành lập trường ĐHTĐHN, với mục tiêu đào tạo các nguồn nhân lực các ngành văn hóa, du lịch và dịch vụ cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức Hán Nôm và cung cấp kiến thức cơ bản về đất nước, con người, văn hóa Trung Quốc nhằm phục vụ cho đào tạo kiến thức nghiệp vụ hướng dẫn du lịch trong nước và quốc tế cho sinh viên cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà khoa đề ra.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Trung tâm HN&TQH, thuộc khoa VHDLDV đã được Hiệu trưởng trường ĐH TĐHN ký Quyết định thành lập vào ngày 30/5/2018. Hôm nay (11/12), khoa VHDLDV tưng bừng tổ chức lễ khai mạc Trung tâm HN&TQH.

Trung tâm HN&TQH được thành lập hướng tới mục đích gì, thưa Tiến sĩ?

Trung tâm HN&TQH được thành lập với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và cung ứng dịch vụ và nghiên cứu Hán Nôm và văn hóa Trung Quốc, nhằm truyền bá, khai thác di sản Hán Nôm của dân tộc, phục vụ lợi ích cộng đồng, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như quảng bá ngôn ngữ và văn hóa dân tộc ra quốc tế.

Đối với công tác đào tạo, Trung tâm có nhiệm vụ dạy Hán Nôm cho sinh viên các ngành khoa học xã hội trong toàn trường. Trường ĐH TĐHN có 5 ngành học Hán Nôm gồm: Việt Nam học, Quản trị lữ hành, Quản lý văn hóa (chuẩn bị mở), Sư phạm ngữ văn, Sư phạm lịch sử. Đồng thời, Trung tâm sẽ mở những lớp đào tạo ngắn hạn cho nhiều đối tượng như: Lớp Hán Nôm cơ bản cho người yêu thích Hán Nôm, sau đó là lớp Hán Nôm nâng cao dành cho những người có kiến thức cơ bản về Hán Nôm và lớp Hán Nôm ứng dụng. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ dạy tiếng Trung Quốc giao tiếp và chuyên ngành cho sinh viên của Khoa VHDLDV.

Về lĩnh vực cung ứng dịch vụ, Trung tâm cung cấp một số dịch vụ gồm: Dịch thuật Hán Nôm; dịch thuật Trung - Việt, Việt - Trung; Biên dịch và phiên dịch Trung - Việt, Việt - Trung; dịch vụ văn hóa tín ngưỡng của người Việt và một dịch vụ trung tâm sẽ chú tâm vào sau này là dạy tiếng Việt cho người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc, Đoàn Loan).

Đối với chức năng nghiên cứu khoa học, Trung tâm sẽ đẩy mạnh nghiên cứu Hán Nôm học và các ngành khoa học khác liên quan đến văn hóa Hán Nôm; đẩy mạnh nghiên cứu văn hóa Trung Quốc; tổ chức các buổi hội thảo xoay quanh văn hóa Hán Nôm và văn hóa Trung Quốc.

Lễ Khai trương Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học. Ảnh: Minh An.
Định hướng ứng dụng nghề
Hiện nay, trên cả nước có nhiều trường đại học, trung tâm dạy Hán Nôm và tiếng Trung. Sự khác biệt trong công tác đào tạo của Trung tâm HN&TQH là gì thưa Tiến sĩ?
ĐHTĐHN không phải là nơi đào tạo chuyên sâu về Hán Nôm. Hán Nôm cũng không phải là một chuyên ngành của Đại học Thủ đô Hà Nội mà chỉ là một số học phần được giảng dạy cho sinh viên các ngành KHXH. Chuyên sâu về Hán Nôm phải là các trường như: Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Đại học Khoa học Huế, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, dạy Hán Nôm ở ĐHTĐHN, nhất là ở khoa VHDLDV có một khác biệt lớn với các nơi khác là gắn liền đào tạo Hán Nôm với thực tế, tăng số giờ học thực tế của sinh viên lên tối thiểu là 50%. Chẳng hạn như ngành Quản trị lữ hành của Đại học Thủ đô Hà Nội có 5 tín chỉ Hán Nôm thì chỉ học 2 tín chỉ cơ bản tại lớp, 3 tín chỉ Hán Nôm học hoàn toàn ở di tích lịch sử văn hóa. Chương trình đào tạo phục vụ gần như trước mắt cho việc các bạn đi làm hướng dẫn viên du lịch.
Tất cả ngành VHDLDV, cũng như các ngành của trường Đại học Thủ đô Hà Nội đào tạo đều đang hướng đến ứng dụng nghề nghiệp, theo nhu cầu thị trường chứ không phải theo cái mình có.
Xin cảm ơn.

"Mục tiêu của nhà trường rất cụ thể, nếu trước đây Giảng viên của các trường đại học chỉ tập trung vào 2 lĩnh vực là giảng dạy và nghiên cứu khoa học thì giờ đây với trường ĐHTĐHN có thêm một hoạt động nữa là thực hành, ứng dụng. Có làm được việc này tất cả nghiên cứu khoa học của các thầy cô mới quay trở lại phục vụ cho công tác đào tạo.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc khoa VHDVDL tổ chức các hoạt động ứng dụng thì chắc chắn phải tổ chức các hội thảo, nghiên cứu, có sự tham gia của các chuyên gia làm sao cho công tác nghiên cứu khoa học, công tác thực hành của nhà trường ngày càng phát triển. Dù cơ cấu gọn nhẹ, đội ngũ tương đối mỏng nhưng chúng tôi tin rằng với sức trẻ, sự đóng góp của các chuyên gia với sự phát triển của trung tâm trong thời gian tới ngày càng phát triển" - TS Đỗ Hồng Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội