TS Husan Zollaeurnian khiến giới làm bảo tàng ngỡ ngàng trước thông tin Bảo tàng Khảo cổ Đức khởi nguồn là một trung tâm thương mại sầm uất.
Qua màn hình máy chiếu, TS Husan Zollaeurnian cho người xem thấy hình ảnh bên ngoài của Bảo tàng Khảo cổ Đức có dáng hình một trung tâm thương mại lớn. Thế nhưng, bên trong nó, thiết kế trưng bày không khác một gian hàng, không gian câu chuyện về sự hình thành của loài người trong mẫu hình nổi 3D, hay du khách trải nghiệm các hóa thạch ngàn năm trên từng bước chân… chính là bài học cho những người làm bảo tàng Việt hiểu về cách tiếp cận với công chúng. Tương tự như cách kể câu chuyện của Bảo tàng Khảo cổ Đức, TS Josel Muhlenbroel cũng đưa ra những thông tin, hình ảnh để một bảo tàng ở nông thôn Đức hấp dẫn người dân.
Không chỉ kể những vấn đề của quá khứ, các chuyên gia đến từ châu Âu, Đông Nam Á đều chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến việc số hóa bảo tàng, biến bảo tàng thành nơi tổ chức hòa nhạc, chiếu phim… để biến không gian của bảo tàng là nơi hấp dẫn người dân. Các cán bộ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội… đều tham dự cuộc hội thảo này để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế. Nhìn ở góc độ chuyên môn, hội thảo là cơ hội để các cán bộ bảo tàng Việt Nam và quốc tế trao đổi nghề nghiệp. Nhưng nhìn ở góc độ xã hội, việc đặt ra vấn đề vai trò của bảo tàng trong xã hội hiện đại thực sự là một điều đáng quan tâm. Mối quan tâm ấy, không chỉ riêng của những người làm công tác bảo tàng.
Người dân nhìn cơ ngơi của các bảo tàng Việt Nam thường tiếc nuối. Bởi vì, quá nhiều bảo tàng tọa lạc vị trí trung tâm, “hao tiền tốn của” của Nhà nước nhưng công năng sử dụng không hiệu quả. Nhìn từ hội thảo quốc tế chủ đề về bảo tàng được tổ chức lần này, PGS.TS Đặng Văn Bài lý giải: “Dường như các bảo tàng ở Việt Nam mới chỉ chú ý nhiều tới việc giới thiệu quá khứ, thường nhãng quên hoặc coi nhẹ việc thể hiện cuộc sống đời thường đang diễn ra hàng ngày. Các nội dung về quá khứ cũng không thực tiễn vì không có sự gắn kết với mối quan tâm của công chúng”. Ngoài ra, theo ông Đặng Văn Bài, các dịch vụ tiện ích phục vụ công chúng trong bảo tàng ở Việt Nam còn quá thiếu vắng. Tham quan nhiều bảo tàng thế giới, PGS nhận thấy họ có nhà hàng phục vụ ăn uống để giữ chân du khách lâu hơn.
Từ những kinh nghiệm của quốc tế, ban tổ chức hy vọng hội thảo quốc tế lần này sẽ góp phần thay đổi “bộ mặt” hoạt động của các bảo tàng ở Việt Nam. Ngày 21/10, các đại biểu quốc tế và Việt Nam sẽ tổ chức thực nghiệm tại nhiều bảo tàng của Thủ đô.
Du khách tham quan bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Công Hùng
|