Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung tâm thương mại, gập ghềnh miền đất hứa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với dân số trên 90 triệu người, thu nhập bình quân đang tăng nhanh, Việt Nam trở thành “miền đất hứa” của các tập đoàn kinh doanh bán lẻ toàn cầu. Thế nhưng, hành trình ở miền đất hứa của nhiều đại gia bán lẻ cũng hết sức gập ghềnh.

Năm 2014, trong khi thị trường căn hộ bùng nổ thanh khoản, hoạt động kinh doanh khách sạn cũng có nhiều chuyển biến tích cực, khi cả công suất thuê và giá thuê đều tăng; phân khúc đất nền, dù còn khó khăn, nhưng thanh khoản đã xuất hiện, các chủ đầu tư liên tục đẩy mạnh hoạt động mở bán, thì thị trường kinh doanh mặt bằng bán lẻ lại có xu hướng chìm sâu hơn trong khó khăn.

Cụ thể, liên tục trong khoảng 4 năm, từ nửa cuối năm 2010 đến nay, thị trường bán lẻ rơi vào khó khăn khiến hoạt động của nhiều trung tâm thương mại (TTTM) chao đảo. Để thu hút khách mua hàng lẫn khách thuê mặt bằng, nhiều TTTM thường xuyên phải cơ cấu lại các gian hàng. Thậm chí, xu hướng các TTTM phải đóng cửa vì hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài ngày càng tăng.

 
Dù đã được cơ cấu lại với sự có mặt thêm của các mặt hàng bình dân, nhưng Tràng Tiền Plaza cũng không sôi động hơn. Ảnh: Trí Dũng
Dù đã được cơ cấu lại với sự có mặt thêm của các mặt hàng bình dân, nhưng Tràng Tiền Plaza cũng không sôi động hơn. Ảnh: Trí Dũng
Tại Hà Nội, TTTM Grand Plaza từng được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ trở thành một địa chỉ mua sắm mới của người dân Thủ đô vì nằm ngay cửa ngõ phía Tây - khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất tại Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ không lâu sau khi được khai trương vào tháng 7/2010, do hoạt động không hiệu quả, đơn vị quản lý TTTM này đã liên tục phải tái cơ cấu nhằm thu hút cả khách thuê gian hàng lẫn người mua hàng. Dù vậy, hoạt động kinh doanh tại Grand Plaza vẫn ngày càng đi xuống. TTTM hầu như không có khách khiến các gian hàng đua nhau dời đi. Đến năm 2013, do số lượng gian hàng quá ít, tỷ lệ trống lớn, đơn vị quản lý TTTM Grand Plaza đã phải đóng cửa và mong muốn có thể chuyển nhượng lại toàn bộ diện tích TTTM cho đơn vị quản lý mới. Thế nhưng, sau hơn một năm đóng cửa, TTTM Grand Plaza vẫn chưa có cơ hội trở lại thị trường.

Trong khi TTTM Grand Plaza phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì không có khách thuê, thì TTTM Parkson Landmark mới đây đã gây chú ý trên thị trường khi bất ngờ đóng cửa trong khi khách thuê vẫn lấp đầy 100% diện tích mặt bằng. Lý do TTTM Parkson Landmark phải đột ngột đóng cửa, theo những thông tin được đơn vị quản lý hé lộ là vì trong suốt 3 năm hoạt động, TTTM này chưa khi nào đạt được kết quả kinh doanh như kỳ vọng.

Trên thực tế, bên cạnh việc tính phí thuê gian hàng dựa trên doanh thu đã khiến đơn vị quản lý chịu nhiều thiệt hại, thì việc thị trường bán lẻ chưa thấy những dấu hiệu sáng sủa trong ngắn hạn và trung hạn có lẽ cũng là một trong số những nguyên nhân quan trọng khiến TTTM này phải đóng cửa đột ngột ngay những ngày đầu năm 2015.

Tại thị trường Hà Nội, ngoài TTTM Parkson Landmark, hàng loạt TTTM đang “trợ giá” cho các khách thuê gian hàng bằng cách tính phí thuê dựa trên doanh thu cũng đang rơi vào khó khăn trong hoạt động thu hút khách mua. Tại nhiều TTTM như Parkson Thái Hà, hay Lotte Đào Tấn…, các gian hàng đua nhau khuyến mãi, chiết khấu giá bán lên đến 50%, nhưng lượng khách đến tham quan, mua sắm vẫn không hề tăng.

Với các TTTM nằm xa trung tâm Thành phố, việc phải đóng cửa còn có thể lý giải, còn đắc địa như TTTM Tràng Tiền Plaza, việc đóng cửa lại trở thành hiện tượng khó giải thích.

Cụ thể, sau nhiều năm hoạt động không có hiệu quả, Tràng Tiền Plaza đã được đầu tư khoảng 20 triệu USD để cải tạo, với kỳ vọng trở thành trung tâm bán hàng hiệu số 1 tại Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng hoạt động, Tràng Tiền Plaza đã phải đóng cửa phần lớn gian hàng để cơ cấu theo hướng đưa thêm nhiều mặt hàng bình dân vào bày bán. Mới được mở cửa trở lại với sự góp mặt thêm của những mặt hàng bình dân, nhưng xem ra, Tràng Tiền Plaza cũng không sôi động hơn trước là bao.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường vừa được Savills và CBRE công bố, thị trường bán lẻ tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội tiếp tục chứng kiến sự gia nhập của các thương hiệu bán lẻ mới. Tuy nhiên, cả trong ngắn hạn lẫn trung hạn, thị trường mặt bằng bán lẻ vẫn gặp khó khăn do nguồn cung lớn, giá thuê vẫn có xu hướng giảm.

Trong khi nguồn cung mặt bằng còn tăng mạnh, mức giá chào thuê vẫn giảm, diện tích thuê mới mặt bằng thương mại trong thời gian tới được dự báo “tăng trưởng âm”, hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ tại “miền đất hứa” sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn trong thời gian tới.