Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản mà Trung tâm thực hiện trong năm qua?
- Năm 2018, Trung tâm đã tổ chức được 8 Phiên giao dịch, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn tại số 33 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa). Phiên giao dịch giới thiệu tới người tiêu dùng hàng chục loại nông sản, an toàn tiêu biểu của nhiều địa phương trên địa bàn TP. Trong đó, nhiều sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu như: Miến dong Minh Hồng, Gạo hữu cơ Chương Mỹ, Miến làng So, Thịt lợn sinh học Quốc Oai, Cam Kiêu Kỵ, Bưởi Phúc Thọ… Đáng chú ý, Trung tâm đã kết nối với các DN, cơ quan, đơn vị, DN kịp thời tiêu thụ cho nông dân gần 10 tấn củ cải, hơn 20 tấn thịt lợn trong đợt cao điểm giải cứu nông sản.Riêng đối với sản phẩm thịt lợn, thông qua các phiên giao dịch có DN đã ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định sản phẩm thịt lợn sinh học cho nông dân 2 huyện Quốc Oai và Thanh Trì với đơn đặt hàng 2 tạ/ngày. Mặc dù dịp trước Tết Kỷ Hợi, không ít hộ nuôi lợn tại Hà Nội bị thiệt hại bởi dịch lở mồm long móng nhưng với các hộ, HTX chăn nuôi theo chuỗi đều không chịu ảnh hưởng. Đây cũng là minh chứng về khả năng vượt rủi ro, “sống khỏe” của những nông dân lựa chọn phương pháp chăn nuôi theo chuỗi, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao. Năm 2019 Trung tâm làm gì để Phiên giao dịch, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn không đơn thuần chỉ là hoạt động xúc tiến thương mại?- Nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả của các phiên giao dịch, năm 2019, Trung tâm sẽ cập nhật, nắm bắt thông tin, nhu cầu của khách hàng. Từ đó lên kế hoạch “bắt tay” với DN tổ chức phân phối, cung cấp sản phẩm hàng ngày tới người tiêu dùng Thủ đô. Dự kiến, Trung tâm sẽ tăng tần suất tổ chức 12 phiên (1 phiên/tháng). Ngoài ra, trung tâm cũng đang thuê đơn vị thiết kế website chuyên quảng bá, giới thiệu nông sản an toàn. Website này sẽ liên kết với website của Hội Nông dân TP và website của các DN tham gia tiêu thụ nông sản cho nông dân Hà Nội. Cùng với việc liên kết tiêu thụ nông sản, Trung tâm có giải pháp nào để hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm?- Hiện nay, nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về nhãn hiệu, thương hiệu đã được nâng lên rõ rệt. Khảo sát thực tế của Trung tâm cho thấy, hầu hết nông dân đều ý thức xây dựng nhãn hiệu và nâng cao chất lượng là hai điều kiện bắt buộc để tháo gỡ đầu ra cho nông sản. Vì vậy, năm 2019, chúng tôi lên kế hoạch tổ chức 20 buổi tọa đàm về xây dựng nhãn hiệu và khai thác quyền sở hữu nhãn hiệu nông sản. Dự kiến, các buổi tọa đàm này sẽ thu hút sự tham gia của hàng nghìn nông dân, các chuyên gia, các đại diện cơ quan quản lý Nhà nước. Thực tế việc trang bị kiến thức thị trường cho nông dân Hà Nội vẫn bị bỏ ngỏ, vậy theo ông làm sao để khắc phục nhược điểm này?- Hiện nay, nông dân không chỉ thiếu về kiến thức thị trường mà còn thiếu cả kỹ năng thương mại. Đơn cử như việc đầu tư cho bao bì sản phẩm, đa phần nông dân vẫn xem nhẹ, đây là một trong những nguyên nhân làm giảm sức hút của sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, tình trạng sản xuất không theo kế hoạch, không lập các phương án dự phòng trước diễn biến của thị trường cũng đang là hạn chế lớn của nông dân. Do đó, với vai trò chính là đơn vị trực tiếp trợ giúp nông dân, chúng tôi đã đề xuất Hội Nông dân TP đưa hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức thị trường cho hội viên nông dân vào các chương trình hoạt động trọng tâm năm 2019. Nội dung tập huấn bao gồm: Phương pháp tiếp thị sản phẩm hiệu quả, phân loại đối tượng khách hàng, ứng dụng công nghệ tìm kiếm, mở rộng thị trường…Xin cảm ơn ông!