Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trước thông tin thuốc làm từ thịt người, Chủ tịch Hội Đông y nói gì?

Chi Lê - Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria xác nhận có dược phẩm của Trung Quốc chứa thành phần thịt người tại thị trường nước này. Trước thông tin gây xôn xao dư luận, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam Trần Văn Bản khẳng định, nói thuốc làm từ thịt người là không chính xác.

 Ảnh minh họa
Để giải thích cho nhận định của mình, bác sĩ Trần Văn Bản cho biết, trước hết cần đề cập tới phương pháp tế bào gốc lấy từ cuống rốn và nhau thai để chữa bệnh trong y học và ADN - chất chứa đựng thông tin di truyền của con người. 
Tế bào gốc có khả năng sản sinh ra nhiều tế bào mới, thay thế tế bào hỏng của các cơ quan tổ chức trong cơ thể con người. Câu chuyện bài thuốc sử dụng hai thành phần này không mới, đã có nhiều cuộc tranh luận nảy ra xung quanh việc sử dụng vị thuốc này như thế nào cho phù hợp.

Trong cả Tây y và Đông y hiện nay, nhau thai đều được sử dụng để làm thuốc. Tây y có thuốc bổ Philatop – một loại thuốc có chứa chất sinh học giúp thúc đẩy các quá trình chuyển hóa thuận lợi, làm tăng sự đề kháng, bồi dưỡng các chức năng sinh lý, chống lại sự xâm nhập của bệnh tật. Nhưng vì không đủ nguồn cung cấp nguyên liệu, các nhà khoa học đã sử dụng gan động vật để thay thế. “Còn trong Đông y, nhau thai được sử dụng phối hợp với nhiều nguyên liệu khác tạo ra bài thuốc Hà sa đại tẩu hoàn. Bài thuốc này rất bổ khí huyết, dùng cho những người bị suy nhược cơ thể. Riêng vị hà sa (rau thai nhi) khoa học đã xác định có rất nhiều hooc môn đặc biệt mà những vị thuốc khác không có, giúp chữa được 9 loại bệnh nghiêm trọng” - bác sĩ Bản nói.

Tuy nhiên, cả 2 loại thuốc này khi xét nghiệm ra đều sẽ thấy xuất hiện ADN - một trong những nguyên do khiến nhiều người lầm tưởng rằng trong thuốc có thịt người. Mặt khác, bởi vì tất cả cơ quan tổ chức trong cơ thể con người đều có ADN, ví dụ trong xương, tóc, móng. Nhờ ADN tồn tại ở trong xương mà các nhà khoa học đã xác định được huyết thống và thân nhân của những liệt sĩ. Vì vậy, không thể khẳng định trong thuốc có ADN thì thuốc đó làm từ thịt người, và nhau thai, dây rốn được sử dụng làm thuốc không phải là thịt người.

Như Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, tối 9/11, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn Sở Y tế 63 tỉnh, thành về thông tin "thuốc làm từ thịt người" sản xuất tại Trung Quốc được phát hiện tại Nigeria. Trong công văn này, Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người”. Đồng thời Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh phối hợp với các cơ quan hải quan, quản lý thị trường, công an, ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm nêu trên, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.