Ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây úng ngập nghiệm trọng các xã vùng ven sông Tích huyện Quốc Oai. Tính đến 18h ngày 10/9, nước lũ trên sông Tích dâng lên hơn 8,2m, vượt báo động 3 gây ngập lụt gần 400 hộ dân các xã: Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Phú Cát, Đông Yên... Trong đó, nước lũ cô lập 133 hộ dân thuộc xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ (xã Cấn Hữu) với mức nước sâu nhất từ 0,8m-1m khiến cuộc sống, sinh hoạt và đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Sau khi đi kiểm tra tình hình úng ngập tại một số khu vực ven sông Tích, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn đánh giá cao sự chủ động trong công tác phòng chống lụt bão của huyện Quốc Oai. Đồng thời trực tiếp vào thăm hỏi và tặng quà một số hộ dân xóm Bến Vôi. Tại đây, đồng chí Đỗ Anh Tuấn đã động viên người dân khắc phục khó khăn, đồng lòng chung sức với huyện và TP để phòng chống thiên tai.
Để đảm bảo ổn định đời sống người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở ở Quốc Oai phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình mưa lũ, mực nước các sông. Từ đó chủ động kiểm tra, rà soát, tổ chức triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án di dời, hỗ trợ người dân và phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý.
Đặc biệt, cần quan tâm đến đời sống của người dân, không để các hộ dân thiếu thực phẩm, nước sạch sinh hoạt, thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp nước trên sông Tích tiếp tục dâng cao, đề nghị UBND huyện Quốc Oai bố trí khu vực an toàn để di chuyển các hộ dân bị ngập sâu, quan tâm đến các hộ khó khăn, hộ chính sách. Tinh thần là không để ai bị đói, rét, không có chỗ ở, người bệnh phải có nơi chữa bệnh... Nếu có khó khăn, vượt quá tình hình cần báo cáo ngay thành phố để kịp thời hỗ trợ.
Song song với đó, cần rà soát, bảo đảm an toàn các cây cầu; đồng thời đánh giá nguy cơ sạt lở đất tại một số xã vùng đồi núi. Huyện cần phải đặt ra tình huống ngập lụt cao hơn với thực tế để lên phương án di dời người dân.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác hiệp đồng giữa các đơn vị, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Tổ chức trực ban 24/24h theo dõi chặt chẽ tình hình, tổng hợp toàn diện, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ, thiên tai trên địa bàn huyện.
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy nhấn mạnh, với thời tiết hiện tại, tình hình mưa lũ trong thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp, áp lực nước dồn về từ thượng nguồn về hệ thống sông trên địa bàn thành phố rất lớn. Vì vậy, địa phương không được lơ là, chủ quan, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh công tác phối hợp hiệp đồng giữa các đơn vị hiệu quả, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, cần một đầu mối chỉ huy, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên cụ thể. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả sau mưa lũ như vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh...