“Chân không đến đất, cật chẳng đến trời”
Thực tế, gần nửa thế kỷ trôi qua, mô hình trường chuyên đã phát hiện và bồi dưỡng được rất nhiều nhân tài. Điều này được thể hiện rõ nhất khi năm 2015, học sinh (HS) trường chuyên mang về rất nhiều huy chương cấp khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, theo PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh: "Hiện nay, trường chuyên lơ lửng, chân không đến đất mà cật chẳng đến trời". Tức là không có trường chuyên cấp 1, cấp 2. Ở cấp 3 có mô hình trường chuyên, đào tạo chuyên sâu về Toán, Vật lý, Văn học…
Sau khi học hết chuyên cấp 3, các em lại đăng ký thi tuyển vào những ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội để sau này ra trường đi làm kiếm được nhiều tiền. “Nhà nước đầu tư cho trường THPT chuyên tính trên đầu HS nguồn kinh phí rất lớn, gấp hơn 4 lần so với trường bình thường. Đáng lẽ, khi bồi dưỡng nhân tài thì phải có những lớp học chuyên để các em tiếp tục phát triển khả năng của mình hơn nữa, chứ không phải học lại như những sinh viên bình thường khác. Mình làm hụt và hẫng, rất khó hiểu” - ông Cương phân tích. Vì thế, vị PGS này đề nghị phải có quan niệm khác về trường chuyên. Đó phải là nơi bồi dưỡng nhân tài, chứ không phải để con ông cháu cha có học lực bình thường vào học.
Nên từ cấp 2
Bức xúc với tình trạng lửng lơ của trường chuyên, nhiều chuyên gia đề nghị nên bắt đầu đào tạo chuyên từ bậc THCS. Là người từng học trường chuyên từ cấp 2 và có tới 41 năm làm giáo dục, PGS Vũ Quốc Chung – nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội ủng hộ quan điểm này: Bởi ở cấp tiểu học trở xuống, nhận thức của HS là cảm tính, không bản chất; từ lớp 6 trở lên, các em nhận thức lý tính nghiêng về bản chất. Tại sao trong nghệ thuật, các em có năng khiếu ở mảng nào đó được quyền phát triển sớm, còn Toán, Vật lý... lại không?
Ông Chung cho rằng, phải xét lại vì sao quá khứ đã có trường chuyên từ THCS nhưng rồi bỏ đi, để tìm ra giải pháp sắp tới. Còn việc có xây dựng trường chuyên hay không thì tùy điều kiện của từng địa phương. Bởi nó sẽ đặt ra vấn đề đầu tư về thầy, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, nguồn lực, quản lý, định hướng phát triển. Sau khi học xong chuyên THPT, lên đến ĐH thì sẽ theo mô hình nào. Còn trong điều kiện địa phương không thể đầu tư nguồn lực xây dựng trường chuyên, nên áp dụng mô hình những em giỏi đặc biệt học cùng các bạn bình thường. Tất nhiên, có thể tổ chức những nhóm lớp sinh hoạt theo lĩnh vực Toán học, Âm nhạc… do giáo viên tổ chức. Hoặc tổ chức hẳn lớp học có những HS giỏi chuyên về một lĩnh vực.
GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội lại cho rằng chưa cần có trường chuyên từ bậc THCS. Tới đây, chương trình giáo dục phổ thông mới, bất kỳ công dân nào cũng phải có nền tri thức phổ thông cơ bản để có thể tồn tại được trong cuộc sống lao động bình thường. “Chúng ta chú ý từ khóa “nền tri thức nền tảng” tức là tri thức trên nền ấy để phát triển. Những em có năng khiếu và muốn sau này trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó thì lên THPT định hướng học nhiều hơn. Về mặt tâm lý, UNESCO khuyến cáo chưa nên cho trẻ con tiếp cận và phân hóa quá sâu ở những lĩnh vực quá sâu. HS ở lứa tuổi vị thành niên (lớp 9) nên được cung cấp nền tri thức rộng hơn là đi vào môn học hẹp” - ông Báo nhấn mạnh.
Giờ học tại trường Amsterdam Hà Nội.
|