Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường học trong các khu đô thị: Bài toán chưa có lời giải

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải lần đầu tiên câu chuyện “trắng” trường học tại các khu đô thị (KĐT) được đưa ra bàn luận.

Và không chỉ riêng Hà Nội rơi vào tình trạng số trường học “trong quy hoạch thì đủ, nhưng ở ngoài lại thiếu”. Đây là bài toán nan giải ở các đô thị lớn hiện nay.

Lệch về phát triển tư thục

Kể từ thời điểm KĐTM đầu tiên Linh Đàm ra đời, đến nay tại Hà Nội có 575 dự án KĐTM và nhà ở thương mại, khu nhà ở. Ở góc độ tích cực, việc phát triển các KĐTM góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân và thay đổi tư duy về nhà ở, thúc đẩy sự hưng thịnh của thị trường địa ốc. Thế nhưng, vẫn còn bất cập do công tác quy hoạch và xây dựng của nhiều KĐTM chưa đáp ứng đúng mục tiêu đề ra, đặc biệt là hệ thống trường học (mầm non, tiểu học, THCS). Thậm chí, dù các hộ dân đã chuyển tới sinh sống rất lâu nhưng trường học chưa có hoặc xây dựng với tiến độ chậm, gây quá tải cho các trường lân cận.
Một trường tiểu học tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: Phạm Hùng

Khảo sát tại KĐT Linh Đàm (Hoàng Mai) ghi nhận tình trạng gia tăng dân số tỷ lệ nghịch với số lượng trường học. Số lượng trường công lập tại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, quá ít so với nhu cầu thực tế. Cùng chung số phận, tại KĐTM Định Công, hiện tượng cha mẹ xếp hàng từ đêm hôm trước để dành một suất nhập học cho con ở một trường mầm non công lập không quá xa lạ. Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội - TS Đào Ngọc Nghiêm, Linh Đàm được xem là KĐT kiểu mẫu thì chỉ tiêu tính toán lớn nhất phải là trường học. Trong đó, đề nghị có một trường công mẫu giáo, tiểu học và THCS. Riêng cấp 3 sử dụng chung. Tuy nhiên, cả khu Linh Đàm yếu tố trường công lập chưa được chú trọng mà lại giao cho xã hội hóa. Cho nên, con em của các hộ dân thu nhập thấp ngay khu tái định cư gần đó không có chỗ học. Tương tự, ở KĐT Trung Hòa - Nhân Chính dự kiến xây dựng thành 2 đợt, tương ứng với xây mới và cải tạo, gắn kết khu dân cư xung quanh với yêu cầu xây dựng trường học. Dù vậy, trong quá trình thực hiện, đợt 2 chưa được triển khai, việc xây trường vì thế cũng bị trì hoãn.

Đáng chú ý, một số KĐTM cao cấp trên địa bàn các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai… có số lượng người ở tương đương dân số một phường nhưng chỉ chú trọng phát triển trường tư thục, với mức học phí đắt đỏ. Do đó, đa số hệ thống trường học tại đây chỉ mang tính chất cục bộ trong KĐT, không quan tâm tới lợi ích của dân cư lân cận, thậm chí có khu còn nói không với con em sinh sống ngoài KĐT.

Vẫn chờ… nhà máy di chuyển

Theo các chuyên gia, với đô thị đặc thù như Hà Nội gồm đô thị lịch sử và KĐTM có tốc độ đô thị hóa cao nên vấn đề chỉ tiêu dân số rất được chú trọng. Dẫu vậy, quá trình quản lý vẫn thiếu chặt chẽ. Lượng người dân thuộc diện tạm trú (KT3, KT4) vẫn tăng mạnh khiến cấu trúc dân số của Hà Nội khác chuẩn quốc gia. Điều này dẫn đến tình trạng quy hoạch về trường học dẫu có, song vẫn “vênh” với thực tế do áp lực dân số lớn. Vì lẽ đó, tại Hà Nội số trường học vẫn thiếu cả chất lượng lẫn số lượng.

Đối với các đô thị cũ, vấn đề lớn nhất hiện nay phải bố trí được quỹ đất để có diện tích xây dựng trường học. Tại khu vực 4 quận trung tâm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng không có các KĐT nhu cầu mở rộng và xây mới trường học chủ yếu do địa phương đề xuất vào ô đất do di dời cơ sở công nghiệp, dự án chậm triển khai, chuyển đổi các chức năng sử dụng không hiệu quả. “Tính đến năm 2030, số liệu quy hoạch trường học cần thêm vào hơn 1.900ha để làm trường học. Trong nội đô Hà Nội đã đặt ra vấn đề di dời các trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp ô nhiễm để ưu tiên xây dựng trường học nhưng hiện nay ít “động đậy”. Một điển hình lớn nhất là Nhà máy rượu Hà Nội và Dệt kim Đông Xuân ở trong lô đất 6ha thuộc quận Hai Bà Trưng. Từ những năm 2002 - 2003, TP đã đặt ra vấn đề di dời hai trụ sở này để phục vụ tách cấp cho Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân và đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm. Tuy nhiên 15 năm qua, công tác GPMB vẫn chưa thực hiện xong dù HĐND TP đã có Nghị quyết” - TS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Thực tế này đang khiến cho học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Hai Bà Trưng) không được học theo phương pháp "giáo dục toàn diện" mà ngành giáo dục đang khuyến khích đẩy mạnh, đặc biệt đối với học sinh tiểu học. Nguyên nhân cũng bởi địa điểm mới để tách cấp nằm tại Nhà máy rượu Hà Nội vẫn chưa di dời. Trường Tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân do đó vẫn phải chung cơ sở vật chất, học cùng một trường, cấp II học buổi sáng, cấp I học buổi chiều. Theo đại diện phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng, mặc dù TP đã có chủ trương lấy phần đất của Nhà máy Rượu Hà Nội để xây dựng Trường THCS Lê Ngọc Hân, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy có một thông tin chính thức nào. Dân cư của phường Lê Ngọc Hân và các phường lân cận vốn đã rất đông đúc, nay lại có thêm chung cư 30 tầng ở 93 Lò Đúc nên nhu cầu trường lớp cho con em người dân sở tại lại càng trở nên cấp thiết hơn.

Nâng chiều cao lên 5 tầng?

Đối với trường học trong các KĐTM, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành tiêu chuẩn bắt buộc đối với công trình dịch vụ đô thị, trong đó, chỉ tiêu tối thiểu trên 1.000 người đối với trường mẫu giáo là 50 chỗ, tiểu học là 65 chỗ, THCS 55 chỗ và THPT 44 chỗ. Thế nhưng, qua các số liệu thống kê thì Hà Nội có tới 75 trẻ học mẫu giáo trên/1000 dân. Các cấp học cao hơn cũng xảy ra tình trạng tương tự do tỷ lệ dân số tăng quá cao.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, chủ trương của TP là đẩy mạnh mô hình xã hội hóa giáo dục trong các KĐT mới. Song vẫn phải đảm bảo mỗi phường có ít nhất ở mỗi cấp học một trường công lập. Việc thiếu trường công lập trong các KĐT đã dẫn đến tình trạng học sinh ở đây phải đi học nhờ, học trái tuyến, dễ nảy sinh ra nhiều vấn đề phức tạp trong quản lý, giao thông đô thị và gây bức xúc cho người dân.

Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Lê Vinh cho biết, về lâu dài Hà Nội sẽ thực hiện các công việc liên quan đến quy hoạch nâng tầng cao của một số trường học tại 4 quận nội đô cao từ 3 đến 5 tầng. Theo đó, từ tầng 1 đến tầng 3 sẽ làm phòng học, còn lại dành cho phòng hiệu bộ và các phòng chức năng. Đồng thời, với danh mục 148 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khi di dời khỏi nội đô, phần diện tích của các cơ sở sẽ ưu tiên cho việc xây dựng trường học, nhà trẻ.

Giới chuyên gia quy hoạch, kiến trúc đánh giá Hà Nội với đặc thù riêng có thể xem xét nâng tầng cao trường học nhưng phải tùy thuộc theo từng cấp và bố trí khu chức năng hợp lý. Ngoài ra, nên hợp khối công trình, thay vì xây dựng các khu văn phòng riêng nên bố trí tầng 5 dành cho văn phòng và khu phụ trợ, 4 tầng còn lại phục vụ giảng dạy. Bộ Xây dựng cũng từng đồng ý cho Hà Nội thí điểm xây dựng Trường Tiểu học Bà Triệu với chiều cao 5 tầng tại Mai Hắc Đế. Do đó, có thể đề xuất thể chế hóa quy định này trên cơ sở nghiên cứu sử dụng quỹ đất hiệu quả.

Tại các KĐTM, cần dừng ngay việc duyệt dự án không gắn với kế hoạch thực hiện. Phải khoán gọn tiến độ với chủ đầu tư: Nếu năm 2030, hoàn tất KĐTM thì đồng nghĩa hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, cơ sở y tế, chợ… đã cam kết phải hoàn chỉnh theo. Đồng thời, cũng phải cân đối hài hòa giữa đầu tư ngân sách và xã hội hóa theo đặc thù từng khu vực. Cụ thể như Khu công nghiệp Bắc Thăng Long hoặc nhà cho người thu nhập thấp thì rõ ràng chỉ tiêu trường học công lập phải cao hơn.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội - TS Đào Ngọc Nghiêm


Trong quá trình xây dựng các KĐTM, năng lực tài chính của một số chủ đầu tư yếu, không đủ sức đảm đương toàn bộ dự án theo đúng quy hoạch. Thay vào đó, họ chẻ nhỏ dự án ra, làm cuốn chiếu. Chính vì vậy, nhà ở được ưu tiên xây trước, còn mọi hạng mục khác (kể cả trường học) chỉ được liệt vào hàng thứ yếu, thậm chí "quên" luôn. Do vậy, để cải thiện tình trạng trống trường tại KĐTM, quỹ đất xây trường trong KĐTM nên để cho chính quyền địa phương hoặc ngành giáo dục quản lý để điều tiết một cách hiệu quả.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam PGS.TS Vũ Thị Vinh