Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truy đến cùng nhiều vấn đề nóng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày làm việc thứ hai phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường đã sôi động hơn với nhiều vấn đề đặt ra.

Cách đọc báo cáo, viện dẫn văn bản, Nghị định của các Bộ trưởng đã được đoàn Chủ tọa ngắt lại, yêu cầu đi thẳng vào vấn đề. Cùng với trả lời của các Bộ trưởng, các Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đăng đàn để làm rõ hơn những vấn đề đại biểu quan tâm.

“Đúng hay sai, có làm được không?”

Là người trả lời chất vấn đầu tiên trong phiên chất vấn tại Quốc hội trong sáng qua 17/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng không trả lời thẳng vào các chất vấn của đại biểu đã nêu trước đó, mà tập trung trình bày 5 vấn đề ông đã chuẩn bị sẵn. Một trong những vấn đề chưa an tâm trong 5 năm qua, được Bộ trưởng Tài chính thừa nhận là bội chi quá cao, phát hành trái phiếu Chính phủ quá nhiều, điều này đã tác động ngược lại khiến nợ công tăng lên. Song theo Bộ trưởng, nợ công tăng với tốc độ quá cao (20% một năm) nhưng vẫn ở giới hạn an toàn. Rồi Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, siết điều kiện cho vay…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn.
Hơn 20 phút trôi qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn từ vị trí điều hành nhắc Bộ trưởng nói gọn lại. Bộ trưởng Tài Chính hứa: "Sẽ kiên quyết giảm nợ công, chi đầu tư phát triển, quản lý chặt chẽ khoản vay".

Về khoản hơn gần 70.000 tỷ đồng nợ thuế, trả lời trước Quốc hội, người đứng đầu ngành tài chính cam kết: "Riêng trong năm 2015 đã thu về gần 32.000 tỷ đồng nợ thuế, còn lại 34.000 tỷ đồng. Chúng tôi chắc chắn thu được số này" - Bộ trưởng cam kết.

Trước câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại về việc khi nào cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan của Việt Nam vào nhóm ASEAN 4. Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, sau những nỗ lực cải cách, năm nay lĩnh vực thuế và hải quan đã có thể vào nhóm ASEAN 6. "ASEAN 4, 5 thì đến năm 2016 chắc chắn sẽ đạt được theo nghị quyết 19 của Chính phủ" - ông Dũng cam kết.

Sau trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đăng đàn làm rõ câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền và một số đại biểu khác về việc các cơ quan T.Ư đang áp dụng cấp hàm (vụ trưởng, vụ phó) nhưng không có quy định pháp luật nào về việc này. Trước diễn đàn Quốc hội, ông Bình báo cáo cụ thể về tình trạng, nguyên nhân và hướng xử lý cấp hàm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lập tức ngắt lời: "Bộ trưởng trình bày lan man quá, câu hỏi đơn giản thôi. T.Ư làm như thế có đúng không? Giờ làm như thế địa phương có làm được không? Bộ trưởng chỉ trả lời như vậy, còn cứ nói cách làm thì lâu lắm". Bộ trưởng nói: "Tới giờ không có văn bản nào của Đảng, Nhà nước cho phép làm... Trong khi nghiên cứu thì cả T.Ư và địa phương đều không được làm".

Truy quản lý nhà đất,  giao thông đô thị 
Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh:
Nạn “chặt chém” khách vẫn là cản trở của du lịch Việt
"Bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, tôi không dám trả lời" - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh bày tỏ trước câu hỏi của đại biểu lo lắng cho ngành du lịch Việt Nam đang ở đâu khi "năm 2000, Campuchia, chỉ có 400.000 lượt khách, nay đã tăng gấp 10 lần. Tại Lào, từ 700.000 lượt khách, sau 10 năm tăng lên 4 triệu, trong khi đến năm 2014 Việt Nam chỉ có gần 8 triệu khách quốc tế". Bộ trưởng thừa nhận, nạn "chặt chém" khách vẫn là cản trở của du lịch Việt Nam, song chỉ là số ít, với tư cách là người đứng đầu ngành văn hóa, thể thao và du lịch, những gì đã cố gắng thì cố gắng rồi. Chưa đạt được mong muốn của Quốc hội thì tôi xin chịu trách nhiệm và truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp".
Các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng trả lời có vẻ vào trọng tâm hơn. Cách nói của các Phó Thủ tướng rõ ràng, sâu sát nhưng vẫn cảm nhận chưa đạt được yêu cầu mong muốn của cử tri, chủ yếu báo cáo diễn biến tình hình triển khai, mong đợi là chỉ ra nguyên nhân tồn tại là gì hướng giải quyết tới đây là gì còn hơi thiếu. Khâu thực hiện chưa tốt, trách nhiệm của ai, các cấp, ngành ra sao, cần phải được sâu sát hơn.
ĐB Lê Như Tiến - đoàn Quảng Trị

Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời về trách nhiệm trong việc quản lý xây dựng trong khu vực đô thị gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Còn ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh), ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) bấm nút dành câu hỏi cho Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Vì sao có quá nhiều nhà cao tầng mọc lên trong nội thành, vì sao đã có chủ trương kế hoạch di dời nhiều bệnh viện, trường đại học ra ngoại thành mà chục năm nay chưa làm được? Điều này dẫn đến hệ lụy là ùn tắc giao thông. Phó Thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân đầu tiên là xu hướng dịch chuyển dân cư từ các vùng bên ngoài vào các đô thị lớn do dịch vụ, hạ tầng, các điều kiện sống tốt hơn, nhiều việc làm hơn. Từ đó làm tăng mật độ dân số và giao thông. Trong khi đó hạ tầng giao thông còn quá nhiều bất cập. Đất dành cho giao thông cả động và tĩnh đều thấp hơn 50% so với nhu cầu, thiếu giao thông công cộng. Cùng với đó là sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân, chiếm đến 90%, trong đó ô tô ngày càng nhiều.

Ông Trịnh Đình Dũng cho rằng, phải từng bước, có lộ trình giải quyết các nguyên nhân trên. Về lâu dài, phải hạn chế gia tăng dân số cơ học bằng một chiến lược phát triển đô thị quốc gia để các vùng miền tăng trưởng hài hòa. Đặc biệt xây dựng quy hoạch vùng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Liên quan đến vấn đề chậm di dời các cơ quan hành chính ra trung tâm nội đô, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, việc di dời cơ sở ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm mục đích giảm sức ép hạ tầng, tạo đô thị văn minh xanh, sạch, đẹp. Tuy vậy, khi chỉ đạo thực hiện, các địa phương đều xây dựng đề án nguồn lực lớn nên triển khai rất khó! Tháng1/2015, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội và bộ, ngành rà soát lại danh mục cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục để xây dựng đề án dịch chuyển các cơ sở này ra ngoài, giao các bộ xây dựng đề án, trong đó có đề án về tài chính để Bộ Tài chính thẩm định, sau đó trình Chính phủ xem xét thông qua và triển khai.

Về nhận định "hoành tráng hóa công sở" tại một số địa phương của đại biểu Đương,  Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thừa nhận, thực tế một số địa phương khi quy hoạch đã trình Chính phủ đề án xây dựng nguồn lực rất lớn. Chính vì vậy, Thủ tướng đã ra chỉ thị tạm dừng quy hoạch, giao Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá lại mặt được và hạn chế, từ đó sẽ có văn bản chấn chỉnh tiếp tục thực hiện phù hợp từng địa phương.

Chất lượng nông sản làm “nóng” hội trường

Vòng luẩn quẩn "được mùa rớt giá", "trồng cây gì nuôi con gì" đã được thảo luận gay gắt tại diễn đàn Quốc hội từ hơn 10 năm trước, tại phiên chất vấn lần này, trước câu hỏi trách nhiệm vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là người nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp, cả ở cương vị nghiên cứu lẫn quản lý Nhà nước, trong đó có gần 10 năm làm Bộ trưởng (2 khóa liên tục), "Tư lệnh" ngành NN&PTNT - ông Cao Đức Phát chưa thể đưa ra giải pháp nào mới hơn những giải pháp đã và đang thực hiện trong những năm gần đây như: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; điều chỉnh cơ chế nhằm khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển cây, con; và nâng mức đầu tư cho khoa học - kỹ thuật.

Bởi thế, câu trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát: "70% sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam là do các hộ nhỏ lẻ sản xuất. Trong khi Mỹ chỉ có 40 công ty và 29.500 hộ nuôi nhưng mỗi năm họ xuất tới 9 tỷ con gà, Việt Nam có tới 8 triệu hộ chăn nuôi nhưng  chỉ nuôi được 320 triệu con gà một năm, năng suất chất lượng thấp mà giá thành cao" lại càng khiến dư luận băn khoăn, lo lắng.
Đại biểu Quốc hội Lê Nam (đoàn Thanh Hóa).  	Ảnh: Ngọc Linh
Đại biểu Quốc hội Lê Nam (đoàn Thanh Hóa). Ảnh: Ngọc Linh
"GDP trong nông nghiệp hiện nay chiếm 18%, nhưng lao động nông nghiệp chiếm trên 46%, chưa kể những người sống ở nông thôn chiếm tới 70%. Cho nên nói nông nghiệp thấp, kéo theo toàn bộ năng suất lao động của chúng ta cũng bị ảnh hưởng" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm.

Liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. "Như thịt lợn thì chứa chất cấm, chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Tại sao Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp như Báo cáo của Bộ đã nêu, xong tình trạng này không giảm mà vẫn còn chiều hướng gia tăng?" - đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng này không phải là do thiếu quyết tâm của cơ quan điều hành. Theo nhận xét của tư lệnh ngành nông nghiệp thì lãnh đạo từ T.Ư đến địa phương đều đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, hàng loạt văn bản pháp lý đã được ban hành. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng giãi bày, thực tế bộ máy quản lý giám sát, nguồn lực thực hiện rất hạn chế.

Bổ sung thêm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngoài nhận trách nhiệm cũng đưa ra các giải pháp, sự vào cuộc các cấp chính quyền địa phương, đồng thời Phó Thủ tướng kêu gọi thông điệp: “Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề thực hiện pháp luật mà còn là đạo đức con người”.
Đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri
Truy đến cùng nhiều vấn đề nóng - Ảnh 1Việc đổi mới chất vấn và trả lời chất vấn được Quốc hội thực hiện đã nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, cũng như hiệu quả quản lý ngành, giải quyết kịp thời những vướng mắc, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri. Những đổi mới nổi bật trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trong nỗ lực thực hiện hiệu quả chức năng giám sát của Quốc hội. Qua báo cáo và ý kiến của một số đại biểu Quốc hội chất vấn đã phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri trên các lĩnh vực. Đây là điều rất mới mẻ, được quan tâm mà tôi nhận thấy trong kỳ họp Quốc hội lần này.
Phan Thị Phương Học viện Tư Pháp

Trả lời chưa đi vào trọng tâm
Truy đến cùng nhiều vấn đề nóng - Ảnh 2Qua theo dõi phiên chất vấn tôi nhận thấy, nhiều Bộ trưởng trả lời chưa đi vào trọng tâm câu hỏi của đại biểu. Lĩnh vực được đại biểu đề cập khá rộng, yêu cầu tập trung đi sâu nhưng một số Bộ trưởng trả lời chưa rõ quan điểm. Ví dụ, khi trả lời chất vấn của đại biểu tại sao Lịch sử không phải là môn học độc lập mà tích hợp trong sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết phải chờ ý kiến của Hội đồng tuyển chọn sách giáo khoa. Như vậy là không đáp ứng được mong mỏi, yêu cầu của đại biểu. Tôi thấy rằng, công tác quản lý của các bộ, ngành còn chồng chéo dẫn đến trách nhiệm cá nhân còn hạn chế. Do đó Quốc hội cần bàn tới và làm rõ hơn vấn đề này.
Ông Nguyễn Trí Thức Bí thư chi bộ 1, phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây

Nhiều câu hỏi trúng
Truy đến cùng nhiều vấn đề nóng - Ảnh 3Đây là phiên chất vấn có sự đổi mới nhất từ trước đến nay khi mà các Bộ trưởng trả lời chất vấn không được chỉ định chuẩn bị trước. Tại kỳ họp này, phiên chất vấn đạt được chất lượng cao khi các câu hỏi nêu lên những vấn đề nóng được cử tri quan tâm. Những vấn đề người dân quan tâm ở tất cả các lĩnh vực được đưa ra tranh luận, chất vấn để tìm ra giải pháp tháo gỡ. Qua đây có thể đánh giá năng lực lãnh đạo của tư lệnh các bộ, ngành cũng như tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri. Nhiều Bộ trưởng đã có lời hứa với những con số cụ thể trong mục tiêu, cũng như giải pháp để thực hiện trong thời gian tới. Nếu làm được như lời hứa của các Bộ trưởng, người dân rất đồng tình, ủng hộ.
Ông Nguyễn Quang BútBí thư thôn Ổ Thôn, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ

Câu trả lời cần cụ thể hơn
Truy đến cùng nhiều vấn đề nóng - Ảnh 4Cách chất vấn này hay hơn, hiệu quả hơn. Nhưng khi các ĐB rất thẳng thắn, hỏi vào ngay nội dung nên các "tư lệnh" của ngành phải có trách nhiệm giải trình luôn vào nội dung cụ thể thuộc lĩnh vực mình phụ trách, mà người dân đang thắc mắc. Tuy nhiên, tôi thấy, bộ trưởng 2 Bộ GD&ĐT và Bộ NN&PTNT mới giải trình về cách thức ngành mình đang làm, chưa giải đáp sâu vào nội dung hỏi của ĐB. Như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chưa nêu được quan điểm của cá nhân (với tư cách nhà quản lý) về việc tại sao cần tích hợp môn Lịch sử, nếu tích hợp thì có làm mất môn học này không…?
Tôi kỳ vọng tới đây, các thành viên Chính phủ trả lời cần giải trình bằng con số; hẹn thời hạn giải quyết cụ thể, cần ngắn đi chứ không để từ đầu đến cuối nhiệm kỳ mới giải quyết, lúc đó khó triển khai hay sửa lỗi được.
Ông Bùi Đức HùngChuyên viên Bộ phận Tiếp dân UBND quận Hai Bà Trưng