Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Truy" hàng loạt công ty đa cấp không phép

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/4, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã phát đi cảnh báo về hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp không đăng ký.

Hai công ty đa cấp hoạt động không phép

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp kinh doanh hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn một số tỉnh, TP nhưng chưa làm thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan có thẩm quyền và đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. 

Cụ thể: Công ty CP Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68 (địa chỉ trụ sở chính: 131 Bạch Đằng, phường Phước Trung, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu); Công ty CP Phát triển Thương mại Lotus Việt Nam (địa chỉ trụ sở chính: số 2 ngõ 2 tổ 3, đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

 Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo về hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp này để người dân biết và cảnh giác. Trường hợp phát hiện hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp này, đề nghị thông báo với Sở Công Thương, Cơ quan công an địa phương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh để có biện pháp xử lý kịp thời.
"Truy" hàng loạt công ty đa cấp không phép - Ảnh 1
 
“Truy” 8 công ty đa cấp chưa đăng ký hoạt động

Ngày 14/4, Sở Công thương Hà Nội đã phát đi thông báo yêu cầu 8 công ty nếu không còn nhu cầu hoạt động theo phương thức bán hàng đa cấp thì thực hiện thủ tục thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ với Sở Công thương Hà Nội. Cụ thể:

1. Công ty TNHH Thương mại và đầu tư UFC Việt Nam (tên cũ: Công ty TNHH Ánh sáng T.I.A.N.S.H.I)

2. Công ty TNHH Trung bảo Anh quốc Việt Nam (tên cũ Công ty TNHH Thương mại điện tử quốc tế)

3. Công ty TNHH World Nets Việt Nam (Công ty TNHH Một giấc mơ)

4. Công ty TNHH JM Ocean Avenue (tên cũ Công ty TNHH Ocean Avenue)

5. Công ty CP đầu tư LVI Quốc tế

6. Công ty TNHH Thương mại AKUNA Việt Nam

7. Công ty TNHH Thiên Phương Việt Nam

8. Cty TNHH MELILEA Quốc tế Việt Nam

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Nghị định 42/2014/NĐ-CP “Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp đã được cấp theo quy định tại Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực cho tới khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định này nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực”.

Vì vậy, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị 8 doanh nghiệp bán hàng đa cấp chưa được Cục Quản lý cạnh tranh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; đồng thời chưa thực hiện thủ tục thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ với Sở Công Thương Hà Nội theo quy định tại điều 19 Thông tư 24/2014/TT-BCT.

Chưa có kết luận thanh tra về 7 công ty đa cấp

Ngày 15/4, Cục Quản lý cạnh tranh đã có thông báo về việc kiểm tra chấp hành quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp. 

Trước đó, ngày 21/3, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1052/QĐ-BCT về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp tại 7 doanh nghiệp bán hàng đa cấp. 

Cụ thể, các doanh nghiệp có tên trong danh sách kiểm tra gồm: Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Unicity Maketing Việt Nam; Công ty TNHH Amway Việt Nam; Công ty CP  Tập đoàn Liên kết Việt Nam; Công ty CP  Liên kết Tri thức; Công ty CP  Liên Minh tiêu dùng Việt Nam; Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long.

 Hiện nay, Đoàn kiểm tra đang tiến hành việc kiểm tra đối với 7 doanh nghiệp và chưa có kết luận cuối cùng về các nội dung kiểm tra. Do đó, thông tin về việc đã có kết luận kiểm tra cuối cùng đối với một số doanh nghiệp là không chính xác.