Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Truy” trách nhiệm buông lỏng quản lý đất nông lâm trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trách nhiệm của các bộ ngành đến đâu trong việc để xảy ra lỏng lẻo, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014, đó là vấn đề được đặt ra trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 10/11.

Không thể “đùn” trách nhiệm cho địa phương

Hàng loạt những bất cập trong sử dụng đất đai tại các nông lâm trường diễn ra trong một thời gian dài, song việc sắp xếp lại các nông lâm trường chỉ là bình cũ rượu mới khi chỉ thay đổi tên gọi mà vẫn giữ nguyên mô hình cơ chế hoạt động cũ. Việc đặt ra một hướng đi mới chấm dứt tình trạng bình cũ rượu mới là vấn đề được nhiều ĐB đặt ra.

Theo ĐB Nguyễn Thị Thu Anh (đoàn Lâm Đồng), trong khi người dân đang thiếu đất sản xuất thì các nông lâm trường, thủy điện, khai thác khoáng sản được bố trí đất lớn nhưng sử dụng không hiệu quả, chậm được thu hồi. Và theo bà, vì cuộc sống khó khăn khiến dân lấn chiếm tranh chấp đất với các công ty nông lâm trường từ đó khiến tranh chấp khiếu nại về đất đai. 

Cần phải rà soát lại quỹ đất của từng địa phương chưa sử dụng, kiên quyết thu hồi những diện tích đất sử dụng sai mục đích kém hoặc không có hiệu quả, gây lãng phí thất thoát, sang nhượng trái phép để xem xét giải quyết cho những hộ dân bị thiếu đất ở và đất sản xuất. Đồng thời xử lý những công ty, nông lâm trường sử dụng đất sai mục đích nhưng không giao đất cho người dân sử dụng theo quy định của pháp luật, nhiều ĐB bày tỏ. 

Thẳng thắn chỉ ra sự buông lỏng trong quản lý đất đai, diện tích đất vẫn qua báo cáo của các công ty, nông lâm trường chứ không phải đi kiểm tra tại thực địa, chính vì thế ĐB Nguyễn Thị Hải (đoàn Nghệ An) đề nghị, quy hoạch đất đai phải đặt trong tổng thể kinh tế xã hội của địa phương. Và theo bà cần đẩy mạnh giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông lâm trường, nhưng điều quan trọng hơn chính là việc minh bạch thông tin trong sử dụng đất của các nông lâm trường. Bởi "đây là một giải pháp phải được quan tâm rất thỏa đáng vì về tổng diện tích quản lý và sử dụng, đặt biệt liên quan đến thay đổi và sử dụng đất và tài nguyên rừng cần phải được công khai, minh bạch, và người dân tại chỗ cần được ưu tiên trong giao khoán". 

"Thanh tra, kiểm toán trong 10 năm thực hiện chỉ có vài việc thanh tra, kiểm toán lồng ghép liên quan đến đất đai. Như vậy nhiệm vụ của các cơ quan để phát hiện ngăn chặn đến đâu? cụ thể vụ nào? việc nào? ở đâu để bảo vệ pháp luật về đất đai, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, chống tiêu cực, góp phần khai thác nguồn thu cho ngân sách nhà nước tháo gỡ khó khăn trong những năm tiếp theo", ĐB Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đặt vấn đề. Và chính bà cho rằng, đối với cơ quan tài chính, thanh tra và kiểm toán, các đơn vị được giao khai thác quản lý sử dụng đất đai với diện tích lớn chỉ nộp ngân sách trong 10 năm là khoảng 1.722 tỷ đồng. Vậy có tương xứng với giá trị tài nguyên của quốc gia hay không?

Trong khi đó, ĐB Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) thì cho rằng: "Suốt 10 năm qua chỉ thanh tra, kiểm tra có 8 cuộc nhưng kết quả thu hồi thiệt hại không rõ và xử lý không nghiêm minh. Mặt khác không thể đùn đẩy trách nhiệm cho địa phương".
Việc quản lý và sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa.
Việc quản lý và sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa.
Hai bộ trưởng nhận khuyết điểm

Thấy rõ trách nhiệm yếu kém trong quản lý Nhà nước của Bộ mình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang thừa nhận có sự buông lỏng trong quản lý từ Bộ Tài nguyên và môi trường cũng như các địa phương.

"Chúng tôi có khuyết điểm trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chưa tổ chức thanh tra các nông lâm trường trong việc sử dụng đất, cũng như chưa quan tâm xử lý sau thanh tra nên dẫn đến các việc các vi phạm sau thanh tra chưa được xử lý dứt điểm, còn kéo dài gây bức xúc trong xã hội. Chúng tôi xin nghiêm túc nhận khuyết điểm nêu trên", Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói đồng thời cũng lý giải, nếu quan tâm đến hiệu quả kinh  tế của các nông lâm trường thì có nhiều khía cạnh.

Các nông lâm trường quản lý gần 8 triệu ha đất, nhưng chỉ có 600.000 ha đất nông nghiệp; trong đó đất cao su chiếm 300.000 ha. Số còn lại 300.000ha đất nông nghiệp chia cho các nông lâm trường là rất nhỏ. Vì vậy, hiệu quả sản xuất là hạn chế. Còn đất rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên thiên thì không có nguồn thu vì Chính phủ quyết định đóng cửa rừng thiên thiên. Vì vậy, các nông lâm trường xoay sở là rất khó khăn. “Tôi không phải thanh minh nhưng hiệu quả là rất khó khăn. Các giải pháp tới đây phải bàn thêm về điều này”, Bộ trưởng Nguyễn  Minh Quang nói.  

Những tồn tại, yếu kém trong quản lý sử dụng đất đai ở các nông lâm trường theo Bộ trưởng còn do sự thay đổi trong chính sách đất đai. Tuy nhiên, ngoài việc không theo kịp sự thay đổi của chính sách, đúng là có sự buông lỏng quản lý của các bộ liên quan, các địa phương và những đơn vị trực tiếp sử dụng đất đai. Còn có nguyên nhân chưa hoàn tất đo đạc nên thiếu số liệu để quản lý. 

Giải trình tiếp sức thêm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, đã phối hợp tham mưu cho Đảng nhiều văn bản nhưng khuyết điểm là do khâu tổ chức thực hiện theo chức năng là kém hiệu quả. "Bản thân tôi thấy rất rõ những khuyết điểm này và cố gắng nhưng chưa khắc phục được. Tôi xin nhận khuyết điểm này trước Quốc hội. Việc thanh tra xử lý khuyết điểm cũng chậm và không dứt điểm". 

Nhiều ĐB thì cho rằng, sau rà soát thì điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất sao cho phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và năng lực quản trị của công ty nông lâm nghiệp, phù hợp với quy hoạch vùng, ngành và địa phương. Đổi mới cơ chế quản lý trong các công ty nông lâm nghiệp theo hướng cần tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm công ích theo cơ chế Nhà nước đặt hàng để minh bạch trong cơ chế quản lý đất đai và cơ chế tài chính của công ty. Xây dựng phương án tổng thể, sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp. Cần làm rõ nhiệm vụ tổng thể, đặt hàng của Nhà nước, yêu cầu đổi mới hoạt động của công ty nông lâm nghiệp gắn với đề án tổng thể tái cơ cấu ngành nông lâm nghiệp, hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp, hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn công nghiệp chế biến với tiêu thụ sản phẩm.