Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyền hình trả tiền - Miếng bánh không dễ... nuốt!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu năm 2016, thị trường truyền hình trả tiền trở nên “nóng” vớ...

Kinhtedothi - Những ngày đầu năm 2016, thị trường truyền hình trả tiền trở nên “nóng” với câu chuyện MobiFone mua lại 95% cổ phần Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). “Miếng bánh” truyền hình trả tiền được dự báo sẽ tiếp tục được nhiều DN lớn quan tâm.

Cạnh tranh khốc liệt

Có thể thấy, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền gia tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Cách đây vài năm, thuê bao truyền hình ở mức độ rất khiêm tốn, đến nay số lượng thuê bao tăng ấn tượng 100% từ năm 2010 đến năm 2012 và đạt 6,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền vào cuối năm 2013. Và theo công bố của Bộ TT&TT, đến cuối năm 2015, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền đạt khoảng 9,9 triệu. Tổng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền đạt trên 9.600 tỷ đồng
Người tiêu dùng xem bảng cước dịch vụ MYTV.	 Ảnh: Phạm Thanh
Người tiêu dùng xem bảng cước dịch vụ MYTV. Ảnh: Phạm Thanh
Chính vì tiềm năng, sức tăng trưởng này mà trong vòng 3 năm trở lại đây, truyền hình trả tiền liên tiếp xuất hiện các “tân binh” là các DN viễn thông với lợi thế về hạ tầng công nghệ, kinh nghiệm khai thác thị trường, nguồn lực tài chính như Viettel, VNPT, FPT, CMC… Kế đến là những cuộc mua bán, sáp nhập (M&A) nhằm gia tăng sức cạnh tranh của VTV (thâu tóm Truyền hình cáp CEC, hợp tác với CMC Telecom…). Nếu như quý II/2015, hệ thống truyền hình trả tiền có hơn 50 nhà cung cấp dịch vụ thì đến hết năm 2015, theo số liệu của Bộ TT&TT, cả thị trường chỉ còn 31 đơn vị cung cấp dịch vụ, thị phần chủ yếu thuộc về VTVcab (Truyền hình cáp Việt Nam), SCTV (Truyền hình cáp Saigontourist), MyTV (thuộc VNPT), kế đến mới là Truyền hình K+ (thuộc Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam - VSTV), HTV, VTC…

Đầu năm 2016, thị trường lại tiếp tục “ồn ào” với việc MobiFone mua lại AVG. Giá trị thương vụ không được tiết lộ, song số cổ phần mà MobiFone nắm tại AVG sẽ là 95%. Mục tiêu của MobiFone trong thương vụ M&A này là trở thành một “đại gia” trong lĩnh vực truyền hình trả tiền tại Việt Nam (top 3 vào năm 2020). Đây cũng từng là tham vọng của ông Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch AVG khi Truyền hình AVG ra mắt vào năm 2010. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường dù được đầu tư về kỹ thuật khá bài bản, đồng bộ và đạt tiêu chuẩn tốt nhưng việc thiếu bản sắc cũng như yếu về khâu sản xuất nội dung… đã khiến AVG dần đuối sức. Hiện AVG chỉ có khoảng 450.000 thuê bao, một con số khá khiêm tốn so với thị trường 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền.

Đổ tiền, đổ của chưa đủ…

Thất bại của các đơn vị làm truyền hình đã cho thấy một thực tế trong lĩnh vực truyền hình nếu DN chỉ chăm chú đổ tiền, mua mới thiết bị công nghệ thôi chưa đủ, mà cốt lõi trong cạnh tranh phải là chất lượng dịch vụ, sáng tạo nội dung. Các DN truyền hình trả tiền lâu nay cạnh tranh chủ yếu bằng giá nhưng đó chỉ giải pháp ngắn hạn, về lâu dài để giữ chân thuê bao cần phải có nhiều dịch vụ gia tăng, nhiều nội dung hấp dẫn, có tính tương tác cao…

MobiFone khi mua lại AVG đã tuyên bố sẽ làm truyền hình khác với các nhà đài khác, xây dựng truyền hình như một phần trong “dải sinh thái” phục vụ hơn 40 triệu khách hàng đang sử dụng mạng MobiFone hiện có. Sau khi tiếp nhận AVG, MobiFone sẽ tạo nên một kênh truyền hình kết hợp viễn thông theo công nghệ mới nhất. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng Giám đốc MobiFone, cách kinh doanh và khai thác của MobiFone sẽ không giống như truyền hình trả tiền hiện nay khi mà phụ thuộc lớn vào phí thuê bao, mà tới đây rất có thể, nhiều dịch vụ sẽ được cung cấp miễn phí. “MobiFone sẽ tận dụng tối đa sức mạnh của viễn thông di động và truyền hình, với điểm cốt lõi là tính tương tác cao, làm sao để khách hàng khi xem truyền hình có thể tương tác với bất cứ dịch vụ nào của MobiFone” - ông Hùng chia sẻ. Trong năm 2016, MobiFone dự kiến sẽ phát triển 1 triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình.

Tuy nhiên, cũng cần phân tích rõ, hiện nay có 4 đơn vị là VNPT, Viettel, AVG và VTC được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nhưng không được phép độc lập đứng tên làm chủ các kênh để tự sản xuất nội dung mà phải liên kết với các đài. AVG đã không làm tốt việc này để tạo ra bản sắc và thu hút được số đông khán giả cho nên trong khi 2 đối thủ cùng cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh là VSTV (sở hữu K+) và VTC tăng trưởng tốt về số thuê bao thì tốc độ của AVG gần như chững lại trong 2 năm trở lại đây. Thực tế này cho thấy “miếng bánh” truyền hình trả tiền không… dễ nuốt. Nhiều chuyên gia nhận định, mua lại AVG, MobiFone cũng sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn của thị trường.