Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyền thông có vai trò quan trọng đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 29/6, Chương trình Giao lưu Chính luận"Thông tin truyền thông với An ninh tài chính tiền tệ" do Ban Tuyên giáo Trung ương; Tổng cục An ninh A84 (Bộ Công an); Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam cùng các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tổ chức.

Tại chương trình, các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra ý kiến, quan điểm về hoạt động thông tin đến giới truyền thông trong các vấn đề liên quan đến An ninh thông tin tài chính, tiền tệ Quốc gia và hoạt động tín dụng, an ninh tài chính, tiền tệ trong nước và thế giới đang khá nóng bỏng và cần thiết hiện nay. Từ đó, đề xuất những giải pháp hiệu quả, kịp thời nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giới truyền thông về an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Trong đó, nhấn mạnh đến tuyên truyền, phổ biến giúp giới truyền thông nhận thức tốt hơn các quy định của pháp luật về hoạt động tài chính – tiền tệ để giới truyền thông hiểu và tạo điều kiện phối hợp với Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính và các tổ chức tài chính - tín dụng trong việc tuyên truyền bảo vệ hoạt động an ninh tài chính, tiền tệ.
 Toàn cảnh Chương trình Giao lưu chính luận. Ảnh: Khắc Kiên
Bên cạnh đó, định hướng, hướng dẫn dư luận trong việc cung cấp những thông tin chính thống về hoạt động tài chính - tiền tệ nói chung và các tổ chức tài chính - tín dụng nói riêng. Đồng thời cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, trung thực tới các Nhà báo và giới truyền thông.
Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền - Trưởng Ban chỉ đạo chương trình cho biết, tài chính, tiền tệ là công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước và là lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Thế giới từng có hàng loạt cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra và hầu hết đều có nguồn gốc từ những bất ổn trong hệ thống tài chính – tiền tệ.
 Các đại biểu làm rõ An ninh tài chính tiền tệ là gì? tại phần tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Điển hình như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998 có nguồn gốc từ hệ thống tiền tệ tại các quốc gia Đông Nam Á, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007 – 2009 có nguồn gốc từ hoạt động cho vay dưới chuẩn tại Mỹ.
Trong các cuộc khủng hoảng đó đều có nguyên nhân do công tác truyền thông đã không được thực hiện hiệu quả và có thiếu sót trong minh bạch hóa thông tin của các thành viên trên thị trường. Tại Việt Nam, có thời điểm những tin đồn thất thiệt về lĩnh vực tài chính, tiền tệ đã làm cho thị trường chao đảo như: NHNN sắp đổi tiền (cuối năm 2006) hoặc tin đồn cựu Chủ tịch BIDV bị bắt… Từ đó cho thấy, công tác thông tin, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ.
 Tại phần tọa đàm Thông tin thế nào là chính xác, an toàn?Nhà báo Nguyễn Minh Đức – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ: Khi có tin đồn xuất hiện, các ngân hàng cần có phản ứng nhanh chóngvà đưa ra công luận. Để gải quyết thông tin thất thiệt, có thể dẫn đến khủng hoảng thì cần có sự phối hợp tức thì của các cơ quan quản lý, ngân hàng và cơ quan báo chí mới hạn chế được rủi ro. Ảnh: Khắc Kiên
“Thông tin, truyền thông có tác động tới việc hình thành niềm tin, thái độ hành vi của công chúng, có khả năng hình thành và định hướng dư luận xã hội. Thông tin, truyền thông đối với việc đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ góp phần nâng cao ý thức của người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực này, cũng như ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật làm tăng tính an toàn, hiệu quả của hệ thống tài chính, tiền tệ”, ông Nguyễn Văn Quyền khẳng định.
  Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Lienvietpost, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV chia sẻ về Ứng dụng CNTT đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ. Ảnh: Khắc Kiên

Tại chương trình với 5 phần tọa đàm, giao lưu:

Phần 1: An ninh tài chính tiền tệ là gì? Do các khách mời: Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh - Cục trưởng A84, Tổng Cục An ninh (Bộ Công an), Nhà báo Nguyễn Minh Phong - Phó Ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân dân, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Đức Đông - Phó Tổng Biên tập báo Điện tử Người đưa tin.

Phần 2: Thông tin thế nào là chính xác, an toàn? do TS. Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban chứng khoán Nhà Nước), Nhà báo Nguyễn Minh Đức – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ.

Phần 3: Ứng dụng CNTT đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ: Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Lienvietpost, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV chia sẻ.

Phần 4: Nâng cao quản trị và đầu tư để ngăn ngừa rủi ro do ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Lienvietpost, ông Trương Văn Phước - Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng– Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp chia sẻ.

Phần 5: Vai trò của truyền thông với An ninh tài chính tiền tệ do Thiếu tướng Phạm Văn Miên – Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, Nhà báo Đào Nguyên Cát – Tổng Biên tập Thời báo kinh tế Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh – Tổng Biên tập Báo ĐS&PL.