Trang tin của Đài phát thanh Đức (DLF) ngày 29/4 đã phát một bài phóng sự dài về kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam 40 năm trước cũng như về Việt Nam ngày nay.
Bài báo viết, ngày 30/4/1975, cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc khi binh sỹ miền Bắc tiến vào Dinh độc lập Phủ tổng thống ở Sài Gòn (nay là Dinh Độc lập) và người Mỹ tháo chạy, trong khi vị tổng thống cuối cùng của chế độ miền Nam phải tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh.
Bài báo dẫn lời một số nhân chứng lịch sử nói về khí thế hào hùng của các chiến sỹ miền Bắc ngày đêm không nghỉ tiến vào giải phóng miền Nam, trong số này có anh Ngô Sĩ Nguyên - người lái chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập.
Bài báo nhấn mạnh dù ngày nay, 40 năm sau cuộc chiến tranh, người già cũng như con trẻ vẫn không nguôi thể hiện niềm tự hào về Bác Hồ, về Quân đội Việt Nam và về chiến thắng vĩ đại trước cường quốc Mỹ, song với người Việt Nam, họ vẫn có thể coi Mỹ là bạn.
Bài báo cũng đề cập và dẫn những trường hợp sinh động về hậu quả chiến tranh cho tới ngày nay khi thế hệ thứ ba sinh ra vẫn phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam/dioxin mà Mỹ đã vô trách nhiệm rải xuống các cánh rừng Việt Nam. Bài báo, với những cuộc phỏng vấn các nạn nhân chất độc da cam/điôxin, càng cho độc giả thấy được hậu quả thảm khốc mà chất độc này đã và đang tiếp tục gây ra cho các thế hệ người Việt Nam.
Bài báo cũng viết rằng, hơn 20 năm sau khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam ngày nay đã là một đất nước năng động, nơi những người dân có hoài bão luôn chăm chỉ làm việc để tiến lên.
Báo Nước Đức mới (Neues Deutschland) ngày 29/4 cũng có bài viết về việc hai nước Việt-Mỹ xích lại quan hệ 40 năm sau khi cuộc chiến tranh kết thúc.
Trong khi đó, một loạt tờ báo lớn của Đức như Thế giới (die Welt), Thời đại (die Zeit), Toàn cảnh Frankfurt (FAZ), WAZ, RNZ.de... cũng có bài viết, phóng sự ảnh nhân dịp 40 năm kết thúc cuộc chiến tranh, trong đó đề cập nhiều tới việc Mỹ đã rải khoảng 76 triệu lít chất độc da cam/dioxin trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn từ 1962-1970.
Chất độc này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tới cả ngày nay với rất nhiều trường hợp sinh ra bị dị tật, trong khi các nạn nhân vẫn chưa nhận được bồi thường từ phía Mỹ. Bài viết đáng chú ý khác trên báo Thế giới nêu 6 lý do khiến Mỹ chịu thất bại thảm bại nhất về quân sự trong cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó nhấn mạnh Mỹ đã phạm sai lầm ngay với mục đích của cuộc chiến này.
Trong khi đó, kênh truyền hình N-TV của Đức cũng đã chiếu bộ phim tài liệu lịch sử "Cuộc chiến không chiến tuyến" nói về cuộc chiến tranh Việt Nam, xoay quanh thời điểm trước và sau khi ký Hiệp định Paris. Bộ phim do Đài truyền hình quốc gia ZDF thực hiện với nhiều thông tin lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa này sẽ được chiếu lại trên kênh ZDF Info vào tối 14/5 tới.
Nhân dịp 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch cùng Bí Thư Đối ngoại Đảng Cộng sản Đức (DKP) cũng đã gửi Thư chúc mừng tới Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bức thư được đăng trên báo Thế giới trẻ (Junge Welt) ngày 30/4 nêu rõ sau khi chiến tranh kết thúc, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã tái thống nhất đất nước về mặt Nhà nước (năm 1976) và có những biện pháp sáng suốt nhằm củng cố, xây dựng Đảng và luôn trung thành với đường lối đã chọn.
Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam tiếp tục gặt hái những thành tựu trong giai đoạn tiếp theo là phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để xây dựng một xã hội công bằng. DKP nêu rõ, trước đây cũng như ngày nay, Việt Nam luôn là một ví dụ mang tầm quốc tế có tác động lớn không những tới Đông Nam Á, châu Á, mà cả châu Phi và Mỹ Latinh. DKP khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh, đoàn kết cùng nhân dân Việt Nam trên con đường đã chọn.
Báo Junge Welt viết về 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.
|