Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TS Lương Hoài Nam: "Kinh tế ban đêm không hẳn bị bỏ ngỏ, có điều làm tự phát"

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Không ít các nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam có thể thực hiện các dự án đầu tư hàng tỷ USD. Chính quyền chỉ cần làm tốt công tác quy hoạch và cung cấp quỹ đất phù hợp cho các khu phức hợp du lịch, các việc còn lại sẽ do các nhà đầu tư tư nhân đảm nhiệm".

Đó là quan điểm của Tiến sĩ (TS) Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) khi trao đổi về vấn đề thúc đẩy kinh tế ban đêm - nội dung đang được dư luận cũng như nhiều địa phương hết sức quan tâm. 
Điều tối kỵ của du lịch là để khách đi ngủ sớm
- Thực tế, nhiều quốc gia đã đẩy mạnh kinh tế ban đêm và coi đây là khu vực kinh tế quan trọng, đem lại nguồn lợi siêu lớn. Còn ở Việt Nam, nghịch lý là các điểm đến nổi tiếng và thu hút đông khách lại đang rất thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm. Ông nhận định ra sao về thực trạng này?
TS Lương Hoài Nam: Kinh tế ban đêm phục vụ du lịch ở các thành phố lớn nước ta không hẳn là bị bỏ ngỏ, mà lâu nay phát triển theo kiểu tự phát, thiếu quy hoạch và các chính sách, biện pháp hỗ trợ. Nếu đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng du lịch ở mức cao, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu du lịch của du khách thì việc phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm là giải pháp quan trọng. Điều tối kỵ trong phát triển du lịch là để du khách ăn tối xong rồi về khách sạn ngủ sớm vì không biết đi đâu, xem gì.
Nhìn nhận một cách thực dụng, du khách tiêu tiền ban đêm nhiều hơn ban ngày, việc một số địa danh du lịch trên thế giới như London, Singapore… chú trọng kinh tế ban đêm là có lý do xác đáng.
Singapore đã đầu tư và đưa vào hoạt động hai siêu quần thể du lịch có sòng bài (casino) tại đảo Sentosa và khu Marina Bay mà không ít du khách đến đó là người Việt Nam. Ở nước ta có các hoạt động cờ bạc không? Tất nhiên là có và quy mô không hề nhỏ. Thế nhưng việc quy hoạch, cấp phép đầu tư casino mà người Việt Nam được phép vào chơi là rất nhạy cảm và khó khăn. Ở nước ta có mại dâm không? Tất nhiên là có và không hề ít. Thế nhưng mọi ý tưởng, đề xuất quản lý nó như một dịch vụ đều bị phản ứng mạnh mẽ.
Theo tôi, chúng ta nên tập trung làm tốt hơn các hoạt động kinh tế ban đêm lành mạnh (nhà hàng, nhà hát, các hoạt động ca múa nhạc, giải trí ngoài trời, chợ đêm…), hoặc ít ra là “ít nhạy cảm hơn” (như quán bar, vũ trường, tiệm sauna/massage…). Bắt đầu từ việc quy hoạch các hoạt động kinh tế ban đêm về không gian, hoàn thiện các thủ tục cấp phép, quản lý trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho người đầu tư, kinh doanh, đồng thời chính quyền có các biện pháp đồng bộ đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh ở các điểm đông người.
- Ngay cả ở thủ phủ du lịch như Đà Nẵng, cái gọi là kinh tế ban đêm vẫn chưa được đầu tư “ra tấm ra món”. Theo ông, Đà Nẵng cũng như những thành phố du lịch khác cần làm gì để thúc đẩy nền kinh tế ban đêm?
TS Lương Hoài Nam: Trong nội đô, cái khó của Đà Nẵng nói riêng và các thành phố lớn nước ta nói chung là ở quy hoạch đô thị. Tìm được một vài tuyến phố để làm phố ẩm thực, phố đi bộ, chợ đêm đã rất khó rồi. Hướng khả thi hơn là quy hoạch một số khu phức hợp dịch vụ du lịch như ở Singapore (đảo Sentosa, Marina Bay).
Có một thực tế là nhiều nhà đầu tư ở nước ta thích xin đất xây nhà ở (chung cư cao tầng, villa, nhà phố) để bán hơn là để đầu tư các dịch vụ du lịch (về bản chất là “chi tiền chẵn, thu tiền lẻ”). Nếu không có một tầm nhìn và kỷ cương quy hoạch đô thị, các thành phố nước ta sẽ trở thành nơi có nhiều nhà ở, nhưng rất thiếu nơi thụ hưởng văn hóa, vui chơi giải trí, sẽ không thành “đô thị đáng sống” mà là “đô thị đáng chán”, không chỉ đối với du khách, mà còn với chính người dân địa phương.
Cần coi kinh tế đêm là chiến lược
- Theo ông, chúng ta có thể học tập những kinh nghiệm gì của thế giới để phát triển kinh tế ban đêm ?
TS Lương Hoài Nam: Kinh tế ban đêm chủ yếu là ở các thành phố lớn và do vậy chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi được từ những thành phố du lịch thành công như Singapore, Hong Kong. Cần có sự đa dạng về dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách khách nhau. Đơn cử vấn đề ẩm thực, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng người nước ngoài đến nước ta để ăn các món ăn Việt Nam trong suốt chuyến đi. Không ai ăn mãi các món ăn nước ngoài được. Người Việt khi đi du lịch Pháp vẫn tìm đến nhà hàng Việt Nam. Tương tự như thế, ở Việt Nam, người Pháp vẫn muốn tìm đến nhà hàng Pháp, người Nhật vẫn muốn tìm đến nhà hàng Nhật... Do vậy, các thành phố lớn ở nước ta cần có sự đa dạng quốc tế về ẩm thực.
- Nếu muốn có kinh tế ban đêm thực sự, thì vai trò của chính quyền các địa phương cũng như các nhà đầu tư là gì, thưa ông?
TS Lương Hoài Nam: Nếu coi kinh tế ban đêm là một chiến lược kinh tế địa phương thì vai trò của lãnh đạo địa phương là không thể thiếu, không chỉ trong việc định hướng, mà còn trong việc xác định các mục tiêu (KPI) cụ thể và triển khai thực hiện. Phải có chương trình và bộ máy thực hiện chương trình.
Chúng ta không cần phải lo về tiềm lực tài chính, năng lực quản lý của các nhà đầu tư. Không ít các nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam có thể thực hiện các dự án đầu tư hàng tỷ USD. Chính quyền chỉ cần làm tốt công tác quy hoạch và cung cấp quỹ đất phù hợp cho các khu phức hợp du lịch, các việc còn lại sẽ do các nhà đầu tư tư nhân đảm nhiệm. Nếu có nhu cầu, họ sẽ hợp tác liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đầu tư, vận hành.
- Xin cảm ơn ông!