Theo đó, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội sẽ quản lý, khai thác các mác tàu SE1/2 và SE5/6; Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn quản lý, khai thác các mác tàu SE3/4 và SE7/8. Như vậy, mỗi Công ty đảm nhận hai mác tàu, một xuất phát ban ngày và một xuất phát ban đêm.
Ga Hà Nội. (Ảnh minh họa) |
Để tạo thuận lợi và không ảnh hưởng đến hành khách cũng như đơn vị khai thác, Tổng công ty sẽ thống nhất quản lý và ban hành giá vé tàu, đồng thời giao các công ty quản lý phương án bán vé cả hai chiều của các mác tàu. Trong trường hợp gặp các sự cố bất thường như bão lũ, tắc đường hoặc các đợt vận tải đặc biệt để phục vụ vận tải, an ninh quốc phòng, hè, Tết… công tác tổ chức vận tải hành khách sẽ được thực hiện theo các quy định hiện hành và các quyết định của đường sắt Việt Nam.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, thời gian qua, một số nhà ga, đoàn tàu đã trở thành thương hiệu yêu thích, đáng nhớ của hành khách. Những mác tàu như NA1/2 (Hà Nội-Vinh), SQN1/2 (Sài Gòn-Quy Nhơn), SH1/2 (Sài Gòn-Huế)... đã chiếm lĩnh được vị trí và ngày càng gia tăng ảnh hưởng trên thị trường vận tải hành khách ở phía Nam. Một số đoàn tàu khách địa phương có giá vé cao hơn vé ôtô trên cùng chặng đường nhưng vẫn được hành khách lựa chọn.
Các đôi tàu NA1/2, SQN1/2… đã “hút” được khách từ những phương tiện khác và tạo được luồng khách ổn định hàng ngày, gia tăng vào những ngày nghỉ cuối tuần và tăng cao vào những đợt nghỉ dài ngày (hè, lễ, Tết...). Điều đó cho thấy, những mác tàu này đã trở thành thương hiệu và đi vào “bộ nhớ” của hành khách. Tuy nhiên, doanh thu những chuyến tàu này chỉ ở mức khiêm tốn, chiếm tỷ trọng lớn về sản lượng, doanh thu vận tải hành khách của Tổng Công ty vẫn là tàu Thống Nhất.