Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ 1/7, sẽ xử lý nghiêm vi phạm về thiết bị giám sát hành trình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đó là thông tin được Bộ GTVT đưa ra tại Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính về thiết bị giám sát hành trình (GSHT) dành cho cán bộ thanh tra Sở GTVT thuộc 32 tỉnh, TP từ Đà Nẵng trở ra, tổ chức ngày 28/6 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp chưa biết sợ!

Theo Bộ GTVT, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan tới xe khách gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân chính là bởi hiện nay, việc quản lý phương tiện kinh doanh vận tải, cũng như đội ngũ lái xe còn lỏng lẻo. Ông Huyện dẫn chứng, kết quả thanh kiểm tra 49 doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải mới đây thì có tới 27/49 DN có danh sách đăng ký lái xe khác với người trực tiếp điều khiển phương tiện. Nhiều đơn vị chức năng được giao đi thanh tra nhưng không phát hiện được lỗi hoặc xử phạt chưa nghiêm, dẫn tới công tác thanh tra chỉ mới "dọa" được lái xe, chứ chưa khiến các chủ DN kinh doanh vận tải phải e ngại.

Ông Nguyễn Trung Nghĩa - Chánh Thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng bày tỏ quan điểm, để đảm bảo an toàn cho hành khách, việc lắp đặt thiết bị GSHT lẽ ra phải được thực hiện từ lâu trên tinh thần tự giác của DN, chứ không phải chờ đến khi có chủ trương của Bộ GTVT. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn rất nhiều DN chưa tuân thủ, hoặc việc lắp đặt chỉ mang tính chất đối phó, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước và tạo tâm lý bất an đối với người sử dụng dịch vụ. Ông Nghĩa cho biết thêm, Sở GTVT Đà Nẵng đã tiến hành thanh kiểm tra việc lắp đặt thiết bị GSHT của các DN kinh doanh vận tải trên địa bàn TP. Kết quả là 100% đơn vị có lắp đặt thiết bị GSHT nhưng không một đơn vị nào đảm bảo đủ 6 tiêu chí theo quy chuẩn QCVN 31 - 2011 của Bộ GTVT.

Chất lượng của thiết bị GSHT cũng đang được đặt dấu hỏi lớn. Theo thống kê, cả nước hiện có 52 DN sản xuất các thiết bị GSHT được Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận hợp quy. Tuy nhiên, tiến hành kiểm tra đột xuất 10 đơn vị tại Hà Nội mới đây thì có tới 3 đơn vị sản xuất thiết bị GSHT không đạt chuẩn và đã bị rút giấy phép. Tại khu vực phía Nam, 5 trong tổng số 20 DN cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Từ 1/7, sẽ xử lý nghiêm vi phạm về thiết bị giám sát hành trình - Ảnh 1

Cán bộ thanh tra các Sở GTVT được tập huấn về thiết bị giám sát hành trình.

Toàn ngành cùng vào cuộc

Theo kế hoạch của Bộ GTVT, việc thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm về lắp đặt thiết bị GSHT sẽ được tiến hành từ ngày 1/7. Đợt thanh tra lần này sẽ tập trung kiểm tra, giám sát việc lắp đặt, duy trì tình trạng kỹ thuật của thiết bị; việc khai thác, quản lý, cập nhật thông tin trong một năm; các thông tin cơ bản/tối thiểu của thiết bị GSHT như thông tin về phương tiện, lái xe, hành trình, tốc độ vận hành của xe, số lần và thời gian dừng đỗ của xe, cũng như việc mở cửa và thời gian làm việc của lái xe,… Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết thêm, với DN vi phạm, Thanh tra Bộ sẽ tiến hành xử lý mạnh tay, rút giấy phép kinh doanh vận tải, chứ không chỉ dừng lại ở việc phạt tiền hoặc tước phù hiệu như trước đây.

Trước tình trạng người dân bức xúc vì bị quá nhiều lực lượng chức năng "áo xanh" dừng xe, dù nhiều trường hợp không vi phạm bất cứ lỗi gì, Bộ GTVT đã ra văn bản chỉ đạo việc thực hiện, theo đó chỉ có Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra và thanh tra viên được phép ra hiệu dừng xe. Các nhân viên khác không được quyền tham gia. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu lực lượng thanh tra các Sở GTVT địa phương chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực trong xử phạt xe vi phạm cũng như quản lý hồ sơ thanh tra.

Để giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của các DN kinh doanh vận tải cũng như quản lý việc thực hiện của các sở, ban, ngành chức năng tại địa phương, Bộ GTVT cũng đã quyết định tổ chức 7 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn đi thị sát tại 21 tỉnh, TP được liệt vào danh sách "phức tạp" nhất cả nước về trật tự ATGT. Đây được xem là những nỗ lực lớn của ngành thanh tra, nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu từ 5 - 10% số vụ tai nạn giao thông so với năm 2012.

Trong quá trình kiểm tra việc lắp đặt, duy trì tình trạng kỹ thuật; việc khai thác, các thông tin tối thiểu của thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện nếu phát hiện phương tiện thuộc diện bắt buộc phải lắp, không lắp hoặc lắp không hoạt động thì kiên quyết lập biên bản. Sau một thời gian, các lực lượng sẽ tổng hợp vi phạm và có hình thức xử lý thích đáng với các DN đang quản lý các phương tiện đó. Nếu phát hiện DN vận tải có trên 20% phương tiện vi phạm, chúng tôi sẽ đề nghị đình chỉ hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Huyện Chánh Thanh tra Bộ GTVT