Kinhtedothi - Môi trường tại quần thể danh thắng Tràng An đang bị "báo động" bởi sự liền kề của các nhà máy sản xuất đá vôi, đất sét, xi măng. Hàng ngàn người dân sống trong vùng lõi danh thắng chưa chuẩn bị tâm thế thay đổi nghề nghiệp để bảo vệ di sản... là những vấn đề đang làm khó cho Tràng An ngay sau khi vừa được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Đau đầu thuyết phục UNESCO
Từ năm 2011, hồ sơ quy hoạch quần thể danh thắng đã được lên ý tưởng xây dựng. Nhưng chưa bao giờ, hồ sơ quy hoạch của một di sản lại làm đau đầu nhà quản lý địa phương đến vậy. Ở thời điểm lập quy hoạch bảo tồn ban đầu, phần diện tích lõi của di sản rộng hơn 4.000ha, còn khu vực được xác định là vùng xung quanh có diện tích khoảng hơn 8.000ha. Nếu như vậy, Công ty Xi măng Duyên Hà và Công ty Xi măng Hệ Dưỡng - hai nhà máy tạo nhiều ô nhiễm môi trường nhất sẽ ngang nhiên nằm trong vùng đệm của di sản. Đây là yếu tố tối kỵ đối với một di sản, đặc biệt là di sản thế giới.
UBND tỉnh Ninh Bình mang một tham vọng lớn, vừa ổn định sản xuất của hai nhà máy, đồng thời quần thể thắng cảnh Tràng An vẫn được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Sau rất nhiều cuộc đàm phán, trao đổi, thậm chí là sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vùng đệm của di sản đã phải rút xuống con số 6.000ha, ngang nhiên chấp nhận việc tồn tại của hai nhà máy xi măng ngay cạnh di sản và không tồn tại chính thức trong bản đồ quy hoạch bảo tồn của quần thể danh thắng Tràng An. Vấn đề đau đầu tiếp theo của nhà quản lý và các chuyên gia là thuyết phục UNESCO chấp nhận quy hoạch bảo tồn di sản như Việt Nam đã lựa chọn, thông cảm cho việc hai nhà máy có trước khi hồ sơ di sản Tràng An lập ra.
Chưa bao giờ, một đề cử đề nghị công nhận lại được các thành viên hội đồng UNESCO tranh luận sôi nổi, kéo dài suốt hai giờ đồng hồ (bình thường UNESCO chỉ dành 20 - 30 phút xem xét một đề cử) như đề cử quần thể danh thắng Tràng An của Việt Nam. Mặc dù, với quyết tâm của Việt Nam, di sản không lỡ hẹn chờ đợt xét duyệt năm 2015, nhưng Tràng An cũng là di sản nhận được kết quả muộn nhất trong kỳ họp thứ 38 của hội đồng di sản UNESCO hôm 23/6 vừa qua.
Bảo tồn và phát triển lại gặp khó
Trong công nghiệp thì ngành sản xuất mũi nhọn, có tỷ trọng lớn lại là những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao, đó là sản xuất vật liệu xây dựng, thép cán các loại, khai thác đá, gạch đất nung. Khu vực Ninh Bình cũng có tới 92 mỏ quặng, trong đó nhiều nhất là các mỏ khai thác đá vôi, đá dolomite, đất sét… Không chỉ có 2 nhà máy xi măng tồn tại ngay cạnh di sản, tỉnh Ninh Bình cũng đang là nơi dẫn đầu toàn quốc về sản xuất xi măng, với tổng cộng 5 nhà máy với công suất mỗi năm gần 13 triệu tấn. Đây là nguy cơ đầu tiên đang ảnh hưởng đến môi trường ở Tràng An.
PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: "Theo kết quả điều tra xã hội học của tỉnh Ninh Bình, người dân quanh khu vực quần thể danh thắng Tràng An chưa có được sự chuẩn bị cao về tâm thế cho một cuộc sống gắn liền với việc giữ gìn và phát triển bền vững di sản. 90% số người được phỏng vấn đã biết và mừng rỡ vì danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới nhưng chưa quan tâm đầy đủ đến việc gìn giữ bảo vệ môi trường, chưa có ý thức cao trong việc sẵn sàng chuyển đổi nghề nghiệp khi cần thiết". Chưa kể, tỉnh Ninh Bình là đầu mối giao thông quan trọng, nằm trên trục giao thông chính yếu của đất nước. Việc đi lại thuận lợi là thế mạnh, đồng thời cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ cho di sản.
Việc UNESCO trao danh hiệu cho quần thể danh thắng Tràng An giống như cho Việt Nam một cơ hội bảo vệ di sản, nhưng danh hiệu ấy cũng có thể bị tước bất cứ lúc nào nếu những nỗ lực bảo vệ không được đáp ứng. Di sản Đường Lâm (Hà Nội) là bài học nhãn tiền của người làm di sản. Cho đến nay, bài toán giữa bảo tồn di sản và lợi ích của người dân của một di sản "sống" vẫn chưa có cách nào giải quyết. Nguồn lợi giữa phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Bình, công ăn việc làm của người dân trong vùng lõi di sản danh thắng Tràng An cũng là bài toán gần giống với di sản Đường Lâm. Nói như PGS Đặng Văn Bài: "Tràng An không còn nghi ngờ gì nữa là một viên ngọc quý, một viên ngọc tuyệt vời nhưng cũng thật dễ vỡ". Và viên ngọc ấy có thể vỡ nếu chúng ta không có kế hoạch quản lý di sản hợp lý, dù đã có danh hiệu nhưng cũng không thể cứu vãn.
Danh thắng Tràng An (Ninh Bình) nhìn từ trên cao. Ảnh: Duy Anh
|
Nhằm hỗ trợ công tác quản lý điểm đến theo nguyên tắc Du lịch có trách nhiệm, trong tháng 3 và tháng 4 năm 2014, Chương trình Phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án ESRT) do EU tài trợ đã huy động nhóm chuyên gia tiến hành điều tra khách du lịch giai đoạn 1 tại năm điểm đến thí điểm, bao gồm Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long và Sa Pa. Cuộc điều tra trong giai đoạn 1 đã tiếp cận và lấy ý kiến của 1.543 khách du lịch, trong đó có 786 khách quốc tế và 757 khách nội địa. Dự kiến, giai đoạn 2 của Chương trình Điều tra khách du lịch sẽ được tiến hành vào tháng 7 và tháng 8 năm nay. |