Nhìn về góc này, các nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội cho rằng, đó là sự vận động tất yếu của xã hội hiện đại, vì nhiều lý do từ công việc và cuộc sống. Từ số báo này, Kinh tế & Đô thị dành diễn đàn trên trang Gia đình để nhìn về Gia đình thời hiện đại. Trong một nghiên cứu về gia đình thời hiện đại, bà Nguyễn Hồng Mai – nguyên Giảng viên khoa Văn hóa gia đình, Đại học Văn hóa nói rằng: “Bão không dừng lại trước mỗi cánh cửa…”. Cơn bão ấy chính là sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là những du nhập văn hóa thời đại “thổi” vào đời sống gia đình. Và sự biến đổi cấu trúc gia đình đã diễn ra ở khắp mọi nơi, nhưng nhanh nhất là ở nơi đô thị hiện đại, trong đó có Hà Nội. Nhiều gia đình như một khách sạn: Có phòng khách để khách ai người nấy tiếp, có phòng ăn, phòng sinh hoạt chung và có không gian riêng cho mỗi người. Những bữa ăn quây quần trở nên hiếm hoi và nếu có cũng diễn ra vội vàng vì ai cũng muốn nhanh quay về “tổ kén” của mình - một chiếc máy tính, một chiếc tivi, một máy nghe nhạc, một chiếc điện thoại... Những gia đình hạt nhân ít con đã và đang tăng dần làm giảm đi số lượng gia đình tam tứ đại đồng đường đông đúc… Mô hình gia đình truyền thống xưa lặng lẽ chia tay người TP, khi xu hướng “tách ra ở riêng” của những cặp vợ chồng trẻ ngày càng nhiều thêm. Guồng quay hối hả của công việc, của nhịp sống, của cả những hoạt động giải trí… cuốn người ta ra xa lối sống của thế hệ đi trước, xa những bữa ăn gia đình quây quần mỗi tối. Cũng vì thế mà chung cư với những căn hộ xinh xắn cứ đua nhau mọc lên thích ứng một cách tuyệt vời với những gia đình chỉ 2 thế hệ: bố mẹ và con cái… Vậy là mô hình gia đình tam tứ đại đồng đường truyền thống chỉ còn trong nỗi nhớ. Ai cũng hiểu đó là điều không thể không diễn ra, là sự đồng hành với thời đại. Song người tiếc nuối, người bằng lòng, người lại băn khoăn: Làm sao để không lạc hậu mà vẫn giữ được bản sắc người Hà Nội trong mỗi gia đình hiện đại?