Đặc biệt, các chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) sẵn sàng lao vào biển lửa để bảo vệ kho xăng dầu, lương thực, vũ khí... Những tấm gương đó đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt, hào hùng của dân tộc - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tỏa sáng trong biển lửa
Ngày 29/6/1966, đế quốc Mỹ bắt đầu mở đợt tấn công, đánh phá ồ ạt hệ thống dự trữ xăng dầu ở khu vực miền Bắc mà mở đầu là Tổng kho Xăng dầu Đức Giang. Vào lúc 12 giờ 18 phút, 3 tốp máy bay của Mỹ đã thay nhau ném bom liên tiếp khu vực Hà Nội khiến cho Tổng kho Xăng dầu Đức Giang bốc cháy dữ dội. Nhiều bể chứa và đường ống dẫn xăng bị trúng bom vỡ hoặc bị xuyên thủng lỗ chỗ khiến xăng tràn ra, bốc cháy ngùn ngụt và tạo thành những cột lửa, khói khổng lồ, cao ngút. Bỗng chốc, Tổng kho Xăng dầu Đức Giang biến thành biển lửa đỏ rực.
Ngay khi bị tấn công, toàn bộ lực lượng Cảnh sát PCCC đã triển khai các biện pháp, đội hình PCCC theo dự định. Theo đó, 12 xe chữa cháy cùng lực lượng Cảnh sát PCCC của 4 đội Phan Chu Trinh, Đại La, Gia Lâm và Lộc Hà lên đường làm nhiệm vụ. Cùng với đó có sự hỗ trợ của Cảnh sát PCCC Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng, Trường PCCC và các lực lượng dân phòng. Đồng chí Trương Từ Thức - Đội trưởng Đội PCCC, Công an Hà Nội là người đã trực tiếp chỉ huy vụ chữa cháy này. Tuy nhiên, trong quá trình cứu chữa, do thiếu bình bọt khí CO2 nên thay vì phải dùng nguyên liệu để chữa cháy đối với xăng dầu theo đúng quy định của công tác PCCC, Công an Hà Nội đã phải dùng thêm nước để dập lửa tại kho xăng dầu.
Với tinh thần quả cảm, sẵn sàng đằm mình vào chảo lửa, các chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã dập tắt, khống chế được ngọn lửa của kẻ thù, cứu chữa được 12 bồn xăng lớn, hàng ngàn phuy chứa xăng được ví quý như máu trong thời điểm đó. Trong tổng số 25 triệu lít xăng đang dự trữ, các chiến sĩ đã bảo vệ an toàn được 23 triệu lít xăng. Với chiến công xuất sắc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi, động viên; Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội. Và, còn những chiến công khác của các chiến sĩ cảnh sát, góp phần làm nên chiến thắng mùa Xuân 1975.
Băng qua bom, đạn
Trong trận chiến đấu 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát với sắc phục truyền thống, có mặt ở các trận địa nóng bỏng nhất, góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng.
Một trong những biểu tượng ấy không thể không nhắc đến là tấm gương của Anh hùng Nguyễn Văn Uân (Cảnh sát khu vực Mai Hương, khu phố Hai Bà Trưng, Hà Nội). Năm 1968, sau khi tốt nghiệp trường Công an, anh được nhận nhiệm vụ công tác tại Đồn Công an số 23 (Khu Công an Hai Bà Trưng) và trở thành Cảnh sát khu vực khối 69 (khu lao động Mai Hương)... Trưa 28/12/1972, tiếng còi báo động rền vang toàn TP, anh cùng các đồng đội nhanh chóng đưa người dân xuống hầm. Chợt phát hiện một bà cụ già, chưa xuống được hầm trú ẩn, anh lao đến, đưa về hầm của mình, đậy cửa hầm lại cẩn thận, rồi mới chạy đi tìm hầm trú ẩn khác. Đúng lúc đó, một quả bom của địch bất ngờ rơi xuống, anh hy sinh khi mới 24 tuổi. Anh đã trở thành tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an Nhân dân học tập, noi theo. Tháng 9/1973, chiến sĩ cảnh sát Nguyễn Văn Uân đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân…
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những chiến công - biểu tượng cho tinh thần dũng cảm, hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân của các chiến sĩ cảnh sát mãi mãi khắc sâu trong mỗi con người. Trong thời bình, người lính cảnh sát lại thầm lặng với trách nhiệm lớn lao của mình và luôn sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới để bảo vệ sự bình yên cho Nhân dân, đất nước.
Cảnh sát PCCC đang chữa cháy tại Tổng kho Xăng dầu Đức Giang năm 1972 (ảnh tư liệu).
|