Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tự hào người Đại biểu Nhân dân trên thành phố mang tên Bác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi họp mặt các thế hệ ĐBQH qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2016).

Đến dự buổi họp mặt có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (ĐBQH khóa IX, XI, XII); nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (ĐBQH khóa IIX, IX, X, XI); nguyên phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (ĐBQH khóa IX, X, XI); nguyên Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm (ĐBQH khóa X, XI, XII) và các đồng chí lãnh đạo và ĐBQH TP Hồ Chí Minh qua các thời kỳ.
ĐBQH khóa đầu tiên Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cùng các ĐBQH Lê Hoàng Quân và Trần Du Lịch.
ĐBQH khóa đầu tiên Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cùng các ĐBQH Lê Hoàng Quân và Trần Du Lịch.
Ôn lại truyền thống 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cách đây vừa tròn 70 năm, vào ngày 6/1/1946 đã ghi vào lịch sử đất nước một mốc son chói lọi. Thắng lợi rực rỡ của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và với sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; là kết quả của sự gắn bó máu thịt và niềm tin sắt đá của Nhân dân cả nước nói chung và của đồng bào Nam bộ nói riêng đối với Đảng, với Bác Hồ; mở ra thời kỳ mới – thời kỳ đất nước có Quốc hội.

Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho biết, ở các tỉnh, thành Nam bộ vào thời điểm cuộc bầu cử đầu tiên đã diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của kẻ thù. Tại Sài Gòn – Chợ Lớn, quân Pháp đã chiếm toàn bộ thành phố và các vùng xung quanh, do đó cuộc tổng tuyển cử ở đây đã diễn ra dưới sự lùng ráp khủng bố gay gắt của kẻ thù.

Không có nơi bỏ phiếu cố định, mỗi hộ, kể cả những hộ ở trung tâm thành phố được bố trí từ 3 – 4 hòm phiếu lưu động được chuyển tới từng ngõ, từng nhà cho đồng bào bỏ phiếu. Cả Sài Gòn – Chợ Lớn có hàng trăm hòm phiếu như vậy.

Theo ông Huỳnh Thành Lập, trong bối cảnh bầu cử nhiều hiểm nguy như vậy, đã có 42 cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong khi làm nhiệm vụ tổng tuyển cử. Trong số 333 ĐBQH, Sài Gòn – Chợ Lớn khi đó có 16 đại biểu được Nhân dân bầu ra và đại diện cho ý chí của Nhân dân thành phố, tiêu biểu có các ĐBQH như Lý Chính Thắng, Tôn Đức Thắng, Thái Văn Lung, Huỳnh Văn Tiểng, Trịnh Thị Miếng,…

Chia sẻ tại buổi họp mặt, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Đảng bộ TP Hồ Chí Minh (ĐBQH khóa XIII) nhấn mạnh, qua 40 năm từ Quốc hội khóa VI (1976 – 1981) đến nay thì kế thừa truyền thống tự hào của Quốc hội, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh đã luôn thể hiện tinh thần, trách nhiệm, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động để không phụ lòng tin yêu, tín nhiệm của cử tri thành phố và sự quan tâm của Thành ủy, Đảng bộ thành phố.

Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh luôn đi đầu cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh được cải thiện, hiệu quả đầu tư tăng lên. Các mặt quản lý, phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đạt kết quả thiết thực. Trong khi đó, văn hóa – xã hội, y tế - giáo dục, khoa học – công nghệ đạt đến trình độ phát triển của một đô thị đặc biệt,…

“Đạt được các kết quả nêu trên là nhờ sự đồng thuận, chung sức của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, trong đó có sự đóng góp, giám sát, quan tâm động viên, hiến kế của các thế hệ ĐBQH đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố”, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Tự hào truyền thống Quốc hội Việt Nam qua 70 năm, các đại biểu đều hứa quyết tâm còn công sức, trí tuệ sẽ tiếp tục hiến kế đổi mới mạnh mẽ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; hoàn thành ngày càng tốt hơn chức trách, nhiệm vụ theo luật định, xứng đáng là đại biểu Nhân dân thành phố anh hùng – Thành phố mang tên Bác.