Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Từ làng ra phố] Chuyện vui về tìm địa chỉ

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, không gian TP Hà Nội mở rộng, nhiều phường, quận, đường, phố mới xuất hiện, vì vậy nên việc tìm địa chỉ đôi lúc cũng khó khăn. Đặc biệt là đối với người từ vùng quê, người có tuổi không rành công nghệ…

Ngoài 4 quận cũ, thời gian qua Hà Nội đã có thêm các quận Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ. Không gian được mở rộng, nhiều đường phố mới xuất hiện, khiến ngay người sống trong nội thành mà ít đi lại cũng khó mà biết hết. Còn với các khu đô thị, gần như các chủ đầu tư đều có xu hướng “Âu hóa” cho các dự án của mình; nào Times City, Smart City, Royal City… khiến những người dốt tiếng Tây cũng chả biết đường nào mà lần!

Nếu muốn biết rõ ý nghĩa của đường phố mới - chắc lại phải nhờ đến “anh” Google! Như một đường phố ở quận Cầu Giấy là một ví dụ. Đường này đã được đặt tên tương đối lâu; nhưng vị trí của nó lại nằm kẹt và vòng vèo trong khu chung cư; số nhà rất phức tạp nên vẫn là mới với nhiều người. Và để biết người được đặt tên đường là ai, chúng tôi cũng đã phải lên Google “sớt”.

Nhớ tên đường, tên phố đã khó, tìm địa chỉ lại là cả một vấn đề. Với người trẻ tuổi, rành công nghệ, chỉ cần ai đó nhắn định vị qua zalo hoặc nhờ Goole map - tự khắc “con ma xó” sẽ đưa đến tận nơi. Thế nhưng nhiều con đường, tuyến phố ở Hà Nội, số nhà rất lộn xộn giữa số cũ, số mới, “tiêu biểu” trong chuyện này là 2 con đường Giải Phóng và Trường Chinh. Để tìm địa chỉ ở 2 con đường này, Google cũng đừng “tinh tướng”!

Quay lại chuyện tìm địa chỉ, cách đây mấy hôm, ông bạn tôi có nhiệm vụ đón người bà con từ quê ra; điểm hẹn là khu vực tòa nhà Keangnam. Dù xuống xe đã hơn tiếng đồng hồ, điện thoại réo liên tục, nhưng anh bạn vẫn không thể lần ra bà cô ruột đang đứng đợi ở đâu. Hỏi đi, hỏi lại, bà cô vẫn bảo đang đứng cạnh tòa nhà Keangnam, bảo gửi định vị thì bà lão đã ngoài thất tuần “bó tay”. Sốt ruột, anh bạn phải dùng đến cách rất cổ điển là bảo bà cô nhìn bảng hiệu chỗ mình đứng; hóa ra bà cụ đang đứng chờ tận mạn bến xe Mỹ Đình. Hỏi tại sao cô đứng tận bến xe Mỹ Đình mà cứ nói là cạnh Keangnam, bà cụ thật thà “Ô, chỗ cô đứng vẫn nhìn thấy tòa nhà cao vút đó mà, chả cạnh đấy còn gì”!!!

Theo phép đặt tên đường phố, người ta thường lấy tên danh nhân, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của Nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt.

Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng có kiến thức về lịch sử, văn hóa để hiểu rõ mọi tên đường, tên phố. Vì vậy người ta mới nảy ra sáng kiến đặt một bảng phụ nói rõ ý nghĩa tên nhân vật được lấy để đặt tên đường. Nhưng thông tin nhân vật, lịch sử đòi hỏi phải có quá trình tìm hiểu để cập nhật. Đã có thời điểm, người ta đặt tên một con phố là đường Ướp Lạnh, đến nước này thì Google cũng bó tay! Tuy nhiên sự cố này sau đó đã được khắc phục… Nói vậy để thấy, việc tìm địa chỉ ở Thủ đô nhiều lúc không phải dễ đâu, thưa quý vị!