Tuy nhiên, những năm trở lại đây, người phố lại quay sang chuộng đồ quê. Vậy là những rau dại như dền cơm, bò khai, rau sắng, rau dớn; những thịt trâu gác bếp, thịt lợn vùng cao để gác bếp, cào cào, châu chấu… được dịp lên ngôi và không ít người gắn cho nó mỹ danh “đặc sản”!
Xét về khía cạnh chữ nghĩa, đặc sản được hiểu là những sản vật (cây, con) đặc hữu của từng vùng - miền. Vậy thì những cào cào, châu chấu, rau sắn, cá thính… ở các vùng miền được người thành phố gọi là đặc sản - quả không ngoa!
Với truyền thống quý người, trọng khách, nhiều gia đình mỗi dịp có anh em, bằng hữu ghé chơi, đến bữa thường phải kiếm món lạ, món ngon để thết đãi. Thế mới có chuyện rằng: Vào một dịp lễ trọng, nhà nọ trên phố có khách ở quê ra chơi. Lâu ngày không gặp, lại là chỗ thân tình, nên gia chủ bảo người nhà chuẩn bị thịnh soạn.
Đến bữa, chủ nhà cứ gắp vào bát của thực khách nào rau lang xào tỏi, cá chạch chiên lá lốt, châu chấu rang lá chanh… và luôn miệng “quảng cáo”: Đặc sản cả đấy, bác dùng đi. Vì trọng cái tình của gia chủ, ông khách bất đắc dĩ phải ăn những thứ được gắp vào bát. Sau vài chén rượu, vị khách nọ mới có đủ “dũng khí” mà rằng: Ở thành phố, các bác mới coi thứ này là… đặc sản, nói thật với bác, ở quê em, những loại này ngày nào chả ăn!
Nắm bắt được tâm lý “chuộng lạ”, những nhà hàng, quán nhậu nơi đô thị đua nhau sưu tầm các loại thực phẩm dân dã nơi thôn quê, để nâng cấp thành… đặc sản! Và một khi cái gì đã được gọi là “đặc sản”, thì giá cả cũng khó mà bình dân. Vào mùa gặt, châu chấu, muồm muỗm ở quê, chỉ tạt ra đồng vài giờ có thể kiếm được cả cân. Với các loại rau dại, ở quê nếu không kịp nấu, người ta cũng chẳng tiếc gì mà không quẳng ra vườn. Nhưng một khi đã được bày lên đĩa trong nơi nhà hàng, quán nhậu nó sẽ có giá tiền chục, bạc trăm!Vài câu chuyện nói trên (đương nhiên), chỉ mang tính hài hước, nhưng trên thực tế - do nhu cầu “đặc sản” của người tiêu dùng ngày một cao, mà những thứ trong tự nhiên, tất cả đều có hạn. Nếu là chuột đồng, châu chấu (những sinh vật có hại) thì không đến mức phải lo chúng tiệt chủng nhưng những thứ như ba kích, sâm cau, chồn, sóc… không phải sòn sòn mà sinh ra cho nhanh! Với điều kiện hiện nay, cái gì người ta đều có thể nuôi cấy, nhân giống; ví như những rắn mối, tắc kè, dúi, rau sắng, bò khai, lá đắng… đều được người ta nhân giống và nuôi trồng quy mô. Mà một khi đã nuôi trồng đại trà, liệu từ “đặc sản” có còn ý nghĩa? Trên các ngả đường ven đô, người ta thường bắt gặp đầy những thứ “đặc sản” bày bán tràn lan trên vỉa hè. Nhưng nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng ra sao… chỉ người bán mới biết. Ở đây, lời khuyên đưa ra là… hãy làm người tiêu dùng thông minh; chớ nên ham của lạ, thích “đặc sản” mà bỏ tiền mua thứ không xứng!