Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Từ làng ra phố] Những khúc hát lâu rồi chưa ngân lên!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi viết ra những dòng này, câu hát từ thời trẻ thơ bỗng đâu trong tôi vọng về: “Tới lớp tới trường, nơi ấy có tình thương, bạn bè thầy cô giáo, nơi ấy vui sao mà vui thế”.

Bởi ngoài việc tiếp thu kiến thức, việc được tới trường còn là niềm vui, nơi đó có bạn bè, thầy cô giáo, nơi đó các em được vui chơi, nô đùa, nơi đó có không gian của trẻ thơ, đó là nơi thắp lên khát khao và ước vọng!

Kể từ khi dịch Covid -19 bùng phát, mọi cơ sở giáo dục phải đóng cửa, học online trở nên phổ biến và bắt buộc. Không được học cùng bạn bè, thầy cô là một sự thiệt thòi cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đó, dẫu còn không ít khó khăn nhưng việc duy trì dạy và học vẫn diễn ra khắp thị thành tới nơi thôn quê. Hàng ngày, người ta vẫn nghe đâu đó bi bô tiếng trẻ bên màn hình điện thoại, máy tính. Học online đã và đang được duy trì, để hàng ngày con em chúng ta được tiếp thu kiến thức từ thầy cô…

Dẫu không có thầy cô ở bên kèm cặp, nhưng cái “ê a” khắp phố cùng quê vẫn đem lại cho chúng ta sự ấm lòng. Dịch Covid -19 dù hoành hành, nhưng vẫn không ngăn cản được sự học hành của các cháu. Ở TP, chắc chắn điều kiện kinh tế nhiều gia đình cao hơn khu vực nông thôn; nhưng việc hàng năm trời các con phải bó mình trong không gian hạn hẹp là điều hết sức khổ tâm của gia đình, nhà trường và xã hội.

Nông thôn thì khác. Do không phải nhà nào cũng có đường truyền internet, gia đình nào cũng sắm đủ máy tính, điện thoại kết nối để con em học tập một cách độc lập - vậy là những nhóm học online tự phát ra đời. Con anh, cháu em cùng lớp, chung nhau một màn hình điện thoại bé xíu, chụm đầu bên chiếc máy tính cũ kỹ. Chiếc bàn học cá nhân ngày nào, giờ kê thêm cái ghế phụ, mái đầu hoe nắng của bọn trẻ lại cặm cụi bên nhau, hàng ngày “cày cuốc” với con chữ. Tiểu học góc nhà này, thì THCS, THPT góc sân nọ, khắp làng trên, xóm dưới đâu đâu cũng bi bô tiếng trẻ học bài, mạch học tập vẫn len lỏi bên bờ tre, khóm chuối…

Nói như vậy không phải người lớn không tuân thủ quy định phòng chống dịch; nhưng tất cả cũng do hoàn cảnh khó khăn đưa đẩy mà nên. Nhưng quan trọng hơn, là gần 2 năm kể từ khi dịch Covid -19 bùng phát, nếu không có hình thức “cộng học”, nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn sẽ không có điều kiện tiếp thu kiến thức - đây là một thực tế tại nhiều địa phương. Không chủ quan, và dẫu không muốn nhưng từ khi khai giảng năm học mới 2021 - 2022, ở khu vực ngoại thành đã xuất hiện hàng trăm nhóm “cộng học”, và điều may mắn là đã không có trường hợp Covid -19 phát sinh! Nhìn chung các em trong lứa tuổi đến trường cũng đã quá mệt mỏi với hình thức học trực tuyến. Và chẳng riêng bậc phụ huynh, ngay các thầy cô giáo cũng mong muốn nhà nước khống chế được dịch bệnh, để các con được quay lại với hình thức học trực tiếp.

Có lẽ với những ai từng được cắp sách đi học, mái trường là nơi lưu giữ những kỷ niệm của lứa tuổi đẹp nhất đời người. Ai đã đi qua tuổi học trò, khi nghe những câu ca “Em yêu trường em, biết bao bạn thân, và cô giáo hiền…”, chắc chắn ít nhiều sẽ đem lại chút bâng khuâng về một thời quá vãng. Nhưng đã lâu rồi, những câu hát nói trên chưa được ngân lên, thật là một sự thiệt thòi cho bọn trẻ!