Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ một ý tưởng độc đáo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trăn trở với những hậu quả do các vụ tai nạn giao thông thương tâm gây ra, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Mỹ (nghệ danh Mỹ Dũng, 56 tuổi) đã ấp ủ ý tưởng mở một quán cà phê kết hợp tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) qua các biển báo...

Và sau gần 3 tháng hoạt động, quán cà phê Biển Báo (lô 21 - 22 đường Trần Nhân Tông, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã tạo được hiệu ứng xã hội tích cực.

 

Từ cái tên lạ và phong cách ấn tượng

 
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng.
Trên nền nhạc du dương, khách đến với cà phê Biển Báo vừa được thưởng thức cà phê thơm ngon, vừa có thêm những trải nghiệm thú vị từ các biển báo giao thông. Với điểm nhấn là hàng chục chiếc còi được bao bọc bởi một khung sắt, ông Mỹ Dũng muốn gửi đến thông điệp, lạm dụng tiếng còi xe là một trong những biểu hiện kém văn hóa nhất trong giao thông ở Việt Nam. Tiếng còi xe không chỉ gây ra ô nhiễm tiếng ồn mà còn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn đáng tiếc.

Ngoài ra, với cách bài trí khoa học, khách đến quán ngồi bất cứ ở chỗ nào cũng có thể nhìn thấy, nhớ được nội dung của các biển báo và những lời cảnh báo về ATGT. Quầy pha chế của quán được dựng lại từ một cái xác xe tải cũ và gắn hàng chục biển số xe ô tô, xe máy các loại. Chủ nhân không quên lắp một chiếc gương chiếu hậu ở mỗi bàn như một lời nhắc nhở mọi người khi tham gia giao thông phải chú ý quan sát từ mọi hướng. Áo của nhân viên phục vụ, hay tập menu thức uống cũng được tích hợp hình ảnh của hàng trăm biển báo giao thông. Mỗi chiếc dĩa, chiếc ly đựng đồ uống đều in cảnh báo như: Chú ý, chạy chậm, an toàn, không say…

 
Khách ghé quán thích thú với tập menu dày đặc biển báo giao thông.
Khách ghé quán thích thú với tập menu dày đặc biển báo giao thông.
Tại các góc trống, vài chiếc tivi được lắp đặt như tình cờ nhưng màn hình luôn mở một biển báo giao thông cũng nhằm gửi gắm mong muốn giản đơn nhưng hết sức thiết thực của người nghệ sĩ. Ông Mỹ  Dũng hy vọng, mỗi kênh truyền hình sẽ dành ít phút mỗi ngày để hướng dẫn người dân về các biển báo thay vì dành quá nhiều thời gian cho một số chương trình giải trí vô thưởng, vô phạt như hiện nay. Cái khéo của chủ quán là đã biết kết hợp, bố trí và sắp đặt một cách rất hợp lý để các biển báo giao thông vốn rất khô khan lại trở nên hài hoà trong một không gian vốn dành riêng cho việc giải trí, thư giãn. Để giúp mọi người dễ nhớ, ông Mỹ Dũng cũng có những ý tưởng hết sức hóm hỉnh. Nhà vệ sinh nam được treo biển báo "Cấm rẽ phải" vì bên phải là nhà vệ sinh nữ và ngược lại. Với trẻ em, khi bước vào quán cà phê Biển Báo sẽ rất thích thú và tưởng như đang lạc vào một thế giới đồ chơi đầy đủ các loại phương tiện, biển báo giao thông sống động.

 

Đến hiệu ứng lớn

 

Ông Mỹ Dũng cho biết, ý tưởng thiết kế quán cà phê này nhen nhóm trong ông đã 6 - 7 năm nay. Để mở được quán, đã nhiều năm ông phải lùng sục khắp các cửa hàng buôn bán phế liệu mua lại đồ cũ. Hàng trăm thứ "đồ bỏ đi" của các loại ô tô, xe máy, như đèn, còi, yên, khung, bàn đạp, biển số, kính chiếu hậu, ti vi cũ… được ông Mỹ Dũng ngược xuôi Quảng Nam - Đà Nẵng tìm mua, thu gom. Và, những đồ nội thất trong quán đều được làm từ các "đồ bỏ đi" ấy. Ghế trệt được làm từ lốp ô tô, ghế cao làm bằng khung xe, nơi để chân là bàn đạp, mặt bàn là vô lăng ô tô…

 

Tuy nhiên, ông Mỹ Dũng vẫn băn khoăn khi phải mất nhiều công sức mới mua được các biển báo giao thông trên thị trường: "Tôi đến các nhà sách của Đà Nẵng để tìm mua biển báo giao thông mà không có. Tôi phải nhờ mấy người bạn quen biết bên các trung tâm đào tạo lái xe mới mua được. Tại sao các cơ quan chức năng không tổ chức in tờ rơi, biển báo giao thông để tuyên truyền cho học sinh. Nếu học sinh cần thì biết tìm mua ở đâu?".

 

Điều khiến ông Mỹ cảm thấy bất ngờ là, chỉ sau ngày khai trương, khách đến với quán tăng ngoài dự đoán. "Thành công bước đầu là việc các thanh niên cảm thấy rất hào hứng và thường xuyên đến quán để học hỏi. Những ngày đầu tiên khách đến với quán là bạn nghề, người quen. Tuy nhiên, khoảng một tuần sau lượng khách đông dần lên, đặc biệt, các bạn trẻ, học sinh, sinh viên đến rất đông, nhất là vào buổi tối. Nhiều khách nước ngoài đến với quán đã đánh giá cao ý tưởng quán cà phê với biển báo giao thông. Tôi chỉ mong sao sau khi uống ly cà phê trong quán, khách bước ra đường tham gia giao thông với một ý thức tốt hơn" - ông Mỹ Dũng bày tỏ.

 
Trên áo của nhân viên phục vụ cũng được in các biển báo cấm.   Ảnh: Vinh Quang
Trên áo của nhân viên phục vụ cũng được in các biển báo cấm. Ảnh: Vinh Quang
Nhiều bạn trẻ thú nhận, lần đầu họ đến Biển Báo vì tò mò về cái tên rất lạ. Đến vài lần thì đâm nghiện không chỉ bởi hương vị cà phê thơm ngon đậm đà, mà còn bị không gian thư giãn độc đáo chinh phục. Ở đó, các biển báo, tín hiệu, phương tiện giao thông được sắp đặt tự nhiên, ngẫu hứng trên thảm cỏ xanh nhiều tầng bậc, trong gió trời, âm nhạc nhẹ nhàng, dìu dặt… Tất cả tạo nên những trải nghiệm thú vị mà chỉ những người đã đến Biển Báo mới cảm nhận hết được.

 

Một sinh viên ĐH Kiến trúc Đà Nẵng bày tỏ: "Khi cà phê Biển Báo khai trương, em cùng các bạn trong lớp thường lui tới đây. Cà phê, đồ uống vừa rẻ vừa được thoải mái ngắm nhìn các vật dụng được thiết kế rất độc đáo. Ý tưởng xây dựng và trang trí quán từ các đồ phế liệu đã thực sự thu hút, gây ấn tượng đối với những sinh viên ngành kiến trúc như chúng em".

 

Tâm sự về "cái duyên" với Biển Báo, ông chủ Mỹ Dũng thoáng trầm ngâm. Là một nghệ sĩ, ông đam mê cái đẹp, nhiều triển lãm ảnh nghệ thuật trong và ngoài nước của ông đã chinh phục người xem bởi những góc nhìn lạ từ cuộc sống. Có điều, càng về sau, ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng không còn quá say sưa, hào hứng với những niềm vui ngày trẻ. Ông ít sáng tác để dành thời gian chiêm nghiệm nhiều hơn về cuộc sống, về thân phận con người. Những năm gần đây, ông đặc biệt bị ám ảnh về thực trạng giao thông ở Việt Nam, nỗi đau do tai nạn giao thông gây ra cho đồng loại khiến ông vô cùng day dứt, nhủ lòng phải làm điều gì đó cho cộng đồng.

 

Và rồi, sau nhiều đêm thao thức, mất ăn mất ngủ, quán cà phê mang tên Biển Báo ra đời. Tuy vậy, với ông, đây chỉ là điểm khởi đầu của một hành trình tuyên truyền về ý thức của người tham gia giao thông ngay trên quê hương mình bằng các ý tưởng nghệ thuật. Ông cho rằng, những tai nạn giao thông thương tâm xảy ra hiện nay không bao giờ tách rời ý thức con người. Chỉ cần thay đổi được căn nguyên sâu xa đó thì mọi thứ sẽ khác. "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà chưa bao giờ sự sống và cái chết lại mong manh như thế. Tôi muốn mình làm được một việc nhỏ cho cuộc đời này bớt đi nỗi đau, mất mát vì tai nạn giao thông" - ông Mỹ trăn trở.

 

Với mong muốn sẽ có thêm thật nhiều quán cà phê như Biển Báo trên mọi miền đất nước, nghệ sĩ Mỹ Dũng đã thẳng thắn chia sẻ: "Tôi mở quán không phải mục đích để kinh doanh hay để làm giàu. Tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ bé cho xã hội đó là làm tăng ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Đó là trăn trở, là đam mê của tôi chứ không phải làm việc tào lao". Vì thế, ông đã không đăng ký bản quyền cho "cà phê Biển Báo" với mong muốn sẽ có thêm thật nhiều quán cà phê như vậy xuất hiện trên mọi miền đất nước. Hiện, nghệ sĩ Mỹ Dũng đang ấp ủ kế hoạch tổ chức một triển lãm sắp đặt về giao thông tại quán, hội đủ thực tế ba miền Bắc - Trung - Nam vào thời gian tới. Hy vọng, triển lãm độc đáo này sẽ thu hút sự chú ý của dư luận, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về ATGT.