Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ tinh hoa đến thị trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sẽ không công bằng nếu nói sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội không đẹp, không độc đáo, bởi thực tế tại nhiều làng nghề, vẫn có những nghệ nhân ngày đêm đầu tư thời gian, công sức để sáng tạo ra những sản phẩm mới, độc đáo.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì dù sản phẩm có đẹp, độc nhưng nếu thiếu tính ứng dụng, thiếu tính thương mại, chưa phù hợp với thị hiếu của khách quốc tế thì việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. 

 
Các đơn vị, cá nhân nhận giải thưởng về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2013.
Các đơn vị, cá nhân nhận giải thưởng về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2013.
 
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn này, hai năm 2012 - 2013, Sở Công Thương Hà Nội phát động và tổ chức cuộc thi "Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội". Năm nay, cuộc thi có chủ đề "Thiết kế bền vững", đã thu hút gần 100 nghệ nhân, cơ sở sản xuất tham gia với nhiều sản phẩm độc đáo, góp phần khích lệ phong trào sáng tạo mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN).

Tiệm cận hơn nhu cầu tiêu dùng

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề với gần 300 làng nghề truyền thống được công nhận, phát triển mạnh mẽ trong những năm qua đã minh chứng cho sức sáng tạo và sức sống mãnh liệt của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của Thủ đô. Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái… với những sản phẩm độc đáo đã thu hút hàng triệu  lượt khách du lịch, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Dù vậy, trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, các sản phẩm làng nghề Hà Nội ngày càng bộc lộ những hạn chế, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước láng giềng, đặc biệt là về mẫu mã. 
 
Xác định được những yếu điểm đó, trong hai năm 2012 - 2013, Sở Công Thương chủ trì tổ chức cuộc thi "Thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội" luôn đặt ra những tiêu chí rất cụ thể để định hướng cho các nghệ nhân, cơ sở sản xuất. Đó là tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, tính thương mại và tính thân thiện với môi trường. Tức là sản phẩm TCMN ngoài việc đẹp, hội tụ tinh hoa của bàn tay người nghệ nhân còn phải đáp ứng các yêu cầu như phải có cạnh tranh, có tính ứng dụng cao, có tính sáng tạo và thân thiện với môi trường.

Từ tinh hoa đến thị trường - Ảnh 1Từ tinh hoa đến thị trường - Ảnh 2

Sản phẩm dự thi thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ xã Đông Phương Yên năm 2013.Ảnh: Ngọc Nguyễn

 
Sau 4 tháng phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được số lượng tác phẩm dự thi vượt trội hơn năm ngoái với 243 sản phẩm của gần 100 đơn vị, cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội. Các sáng tác tập trung vào các nhóm sản phẩm gồm: Gốm sứ: (8 sản phẩm), sơn mài (49 sản phẩm),  nhóm mây tre giang đan (80 sản phẩm), khảm trai (12 sản phẩm), gỗ mỹ nghệ (15 sản phẩm), đồng, kim khí (14 sản phẩm), nhóm thêu ren, lụa tơ tằm (41 sản phẩm) và nhóm sản phẩm khác (24 sản phẩm). Điều này cho thấy, cuộc thi đã được các nghệ nhân, cơ sở sản xuất hưởng ứng nhiệt tình, khơi dậy một phong trào sáng tạo mạnh mẽ trong thiết kế mẫu mã sản phẩm mà bấy lâu bị bỏ quên. 

Các sản phẩm tham gia dự thi còn được Hội đồng chuyên gia tư vấn gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực TCMN tư vấn, đóng góp ý kiến để hoàn thiện sản phẩm trước khi chấm giải. Kết quả đã có 52/243 sản phẩm đạt giải với 1 giải Nhất thuộc về Công ty TNHH Cửa Đỏ (đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên, Hà Nội), 2 giải Nhì thuộc về Công ty CPSX & DVTM An Huy (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) và thợ giỏi Phạm Xuân Cường (Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội). Ngoài ra còn có 3 giải Ba và 46 giải Khuyến khích. Sản phẩm giải Nhất - Khay sơn mài của Công ty TNHH Cửa Đỏ được các chuyên gia đánh giá cao bởi kiểu dáng thanh thoát, thiết kế theo trường phái tối giản, nhưng đẹp mắt. Họa tiết ở đáy khay là những hoa văn mang phong cách châu Âu, màu trắng xanh trang nhã rất phù hợp với thị hiếu khách hàng châu Âu. Đặc biệt hơn, với việc sử dụng công nghệ in hoa vi tính, sản phẩm khay sơn mài của ông Toản đã rút ngắn được thời gian sản xuất, tiết kiệm tối đa chi phí, nhờ đó giảm giá thành mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn cho người sử dụng. 

Ông Trần Quốc Toản - Giám đốc Công ty TNHH Cửa Đỏ cho rằng, điểm yếu của sản phẩm TCMN Việt Nam đó là sự nhàm chán, thiếu sáng tạo về mẫu mã. Nhiều nghệ nhân, cơ sở sản xuất có sự đầu tư sáng tạo nhưng lại không bắt kịp xu hướng, gu thẩm mỹ của khách hàng nước ngoài nên vẫn khó khăn trong việc tiêu thụ. Theo ông Toản, một thiết kế thành công là phải làm sao đảm bảo các yếu tố thẩm mỹ nhưng phải bán được nhiều, phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của khách hàng. 

Theo các chuyên gia của Hội đồng chuyên gia tư vấn và Ban Giám khảo, đa số các sản phẩm dự thi đều đảm bảo tiêu chí cuộc thi đưa ra, đó là có thiết kế mới, có tính sáng tạo, tính thương mại và thân thiện môi trường. Chủng loại và chất liệu của các sản phẩm dự thi rất đa dạng, phong phú, nhiều sản phẩm có chất liệu rất độc đáo, thân thiện với môi trường. Năm nay, các sản phẩm dự thi đều có thiết kế mới, trong đó 6 sản phẩm đạt giải Nhất, Nhì, Ba có thiết kế mới 100% trong năm 2013.

Khơi dậy một phong trào

Theo ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (đơn vị thường trực tổ chức cuộc thi), nguyên nhân yếu kém trong thiết kế, mẫu mã sản phẩm TCMN Hà Nội chính là hầu hết cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, năng lực tài chính yếu nên không có điều kiện đầu tư nguồn lực cho thiết kế. Do vậy, cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN với những sự hỗ trợ thiết thực của Sở Công Thương góp phần khơi dậy mạnh mẽ phong trào thiết kế mẫu mã tại các làng nghề. Cuộc thi là dịp để các thợ giỏi, các nghệ nhân phát huy sự sáng tạo, khéo léo của mình, đồng thời kết hợp với trí tuệ, ý kiến đóng góp của tập thể các chuyên gia, các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực TCMN, đặc biệt là kinh nghiệm thị trường thực tế giúp sản phẩm hội đủ các yếu tố để thâm nhập cạnh tranh ở thị trường quốc tế.

Có thể nói, năm 2013 cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các Hội, Hiệp hội, của đông đảo các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm TCMN trên địa bàn Hà Nội, trong đó có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và các nghệ nhân, thợ giỏi. Cuộc thi đã để lại tiếng vang lớn đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực TCMN, nó đánh dấu một bước đột phá và một hướng đi mới trong hoạt động khuyến công năm 2013 và các năm tiếp theo. Ông Hoàng Xuân Thủy đánh giá: Cuộc thi không chỉ tìm ra những sản phẩm đạt giải mà quan trọng đã khơi dậy tính sáng tạo, lòng say mê thiết kế của các doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn Thủ đô; là tiền đề quan trọng tạo ra một phong trào thi đua thiết kế mẫu mới trong cộng đồng doanh nghiệp TCMN, giải quyết căn bản bài toán về thiết kế mẫu sản phẩm mới cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu hàng TCMN.