Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ vận động đến hình thành thói quen

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", người tiêu dùng (NTD) ngày càng đánh giá cao, tin tưởng lựa chọn sử dụng hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) trong nước.

 Số liệu tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động do Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/7 cho thấy, tại nhiều ngành hàng, tỷ lệ NTD chọn mua hàng nội chiếm tới 80 - 90%. Thậm chí, "ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã dần thành thói quen của nhiều NTD.

Mở rộng nhiều kênh phân phối

Kết quả trên không chỉ thể hiện sức lan tỏa của Cuộc vận động, sự nỗ lực vươn lên khẳng định mình của các đơn vị, DN sản xuất, phân phối trong nước mà còn hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế trước những biến động của thị trường thế giới. Đã có một thời gian dài, nhiều DN trong nước do chỉ tập trung làm hàng xuất khẩu, bỏ ngỏ thị trường nội địa. Chính vì thế, việc trở lại với "sân nhà" đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của DN mà còn là sự ủng hộ của NTD. Và Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng đã ghi nhận nhiều hướng đi để đưa hàng Việt đến gần hơn với NTD nhưng không vi phạm các cam kết, hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết. Một trong những hướng đi đó là mở rộng các kênh phân phối hàng Việt.
Nhiều người tiêu dùng đã ưu tiên lựa chọn hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất.         Ảnh: Trần Việt
Nhiều người tiêu dùng đã ưu tiên lựa chọn hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Ảnh: Trần Việt
Thực tế qua 5 năm triển khai Cuộc vận động cho thấy, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, vận động, đồng hành cùng DN trong việc giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, các giải pháp hỗ trợ thị trường cũng được triển khai sâu rộng đến từng tổ chức đoàn thể, từng người dân. Trong khi TP Hồ Chí Minh định kỳ tổ chức kết nối  hàng Việt thông qua các chương trình "Tự hào Việt Nam", "Bình ổn thị trường", các cuộc hội thảo kết hợp với trưng bày sản phẩm, các chương trình kết nối DN với thị trường tiêu thụ…, thì Hà Nội lại tìm cho mình những hướng đi riêng.  Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, gắn việc triển khai các chương trình phát triển thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp… với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn TP đã góp phần đa dạng hóa các kênh tiêu thụ để DN lựa chọn cho mình phương thức đưa hàng đến NTD…

Liên kết tạo sức lan tỏa

Tăng sức tiêu thụ của thị trường nội địa không chỉ giúp các DN từng bước nâng chất lượng hàng hóa, dịch vụ để khẳng định mình trên thị trường mà còn hỗ trợ không nhỏ hình thành những chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, chỉ riêng việc thực hiện chương trình tiêu thụ hàng của nhau tại một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Bộ cho thấy, nếu như năm 2012, tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt 42% với tổng trị giá hơn 35.300 tỷ đồng thì đến năm 2013, con số này đã lên đến trên 49%; tại Tổng Công ty Thuốc lá tăng từ 60,6% lên 64,8%; Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật tăng từ 68% lên 88%... với giá trị tương ứng lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng…

Bên cạnh đó, mô hình liên kết giữa DN sản xuất với DN phân phối, liên kết giữa các tỉnh, TP trong nước đã dần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, giúp nhiều DN tích cực đầu tư và phát triển sản phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu. Điều này giúp kinh tế trong nước giảm dần sự phụ thuộc vào những biến động của thị trường thế giới.

Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để hàng Việt khẳng định mình trên thị trường nội địa trước sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập, nhưng những thông tin mới nhất cho thấy, nhiều mặt hàng trong đó có một lượng không nhỏ từ thị trường Trung Quốc nhập về nhiều chợ đầu mối, trung tâm thương mại đã giảm mạnh. Nhiều ngành hàng như dệt may, da giày, bánh kẹo, đồ uống, một số mặt hàng tiêu dùng… sản xuất trong nước đã dần chiếm ưu thế. Điều đó cho thấy, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần không nhỏ dần thay đổi thói quen mua sắm của người dân với hàng nội.