Họ rất ích kỷ, không biết rung động trước nỗi đau của chính những người thân. Từ vô cảm với gia đình, họ vô cảm với bạn bè và xã hội. Thực tế cho thấy, khi nhìn thấy một vụ tai nạn giao thông, không ít người chỉ biết đứng chỉ trỏ, mà không hề có một biểu hiện lo lắng, xót thương hay đứng ra giúp đỡ nạn nhân. Và hiện tượng này đang ngày càng nhiều. Một phụ nữ buồn bã kể về đứa con gái của mình, dù được bố mẹ chu cấp đầy đủ, nhưng không bao giờ biết nói lời cảm ơn, đến khi bố mẹ ốm, cũng không một lời hỏi han, quan tâm, vẫn coi như việc không liên quan đến mình. Em sống dửng dưng như người xa lạ, chẳng có chút cảm xúc nào. Làm thế nào để trẻ bớt vô tâm, ích kỷ, biết nghĩ đến mọi người? Câu trả lời nằm ngay trong cuộc sống hàng ngày, bởi không thể khác, chính các gia đình phải "nhập cuộc" tích cực, giáo dục cảm xúc cho con ngay từ nhỏ. Không chỉ dạy trẻ nhận biết cảm xúc của người khác, mà còn hướng dẫn trẻ hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó đến mọi người, để từ đó điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình. Các nhà tâm lý học cũng từng khuyến cáo, gia đình phải thay đổi thói quen dạy con kiểu Á Đông: Chỉ ra lệnh mà không quan tâm đến suy nghĩ độc lập của con. Học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với trẻ là việc mà cha mẹ phải làm. Trẻ chỉ có thể hiểu được một cách rõ ràng nhất khi được bố mẹ hướng dẫn cụ thể bằng các hoạt động đời thường, những sinh hoạt vận động, vui chơi phù hợp tâm lý lứa tuổi. Như chỉ khi được tiếp xúc với bạn bè, trẻ mới học được những điều rất cần thiết để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, học cách thích nghi với mọi người, học nhường nhịn, chia sẻ... Chính những điều nhỏ nhặt này là cái nền đầu tiên để trẻ bớt nghĩ đến bản thân, mở rộng lòng ra cùng người khác. Hơn thế nữa, trước hết, cha mẹ cũng phải là tấm gương cho con về cách sống quan tâm đến người khác. Trẻ con nhiều khi vô tư, không quan tâm đến mọi người..., nếu không được cha mẹ hướng dẫn, sự vô tư đó sẽ trở thành tính vô tâm khi lớn lên.