Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%

Ngân Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/9, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới công bố kết quả điều tra quốc gia về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 tại Việt Nam.

Theo đó, tổng số người được điều tra là gần 3.900 người, từ 18 đến 69 tuổi.  Kết quả cho thấy, sức khoẻ của người dân Việt đang có những dấu hiệu đáng lo ngại. Cụ thể, 77,3% nam giới và 11% nữ giới sử dụng rượu bia và có xu hướng tăng theo thời gian, trong đó 44,2% nam giới và 1,22% nữ giới uống ở mức nguy hại. 45% người điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống rượu; 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực…

Bên cạnh đó, tình trạng ăn thiếu rau và trái cây vẫn cao. Các thói quen này là nguy cơ dẫn đến bệnh thừa cân béo phì, tăng đường huyết, tăng huyết áp và cholessterol. Theo đó, 15,6% dân số Việt Nam đang thừa cân béo phì, 18,9% tăng huyết áp (nam 23%, nữ 14,9%); 30,2% tăng cholesterol máu. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng  520.000 ca tử vong do nguyên nhân bệnh tật, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%. Như vậy tính trung bình cứ 10 người chết thì có 7 chết bởi bệnh không lây nhiễm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm gây ra sự gia tăng nhanh chóng chi phí khám chữa bệnh và quá tải bệnh viện. Chi phí điều trị cho bệnh không lây nhiễm trung bình cao gấp 40-50 lần so với điều trị các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ bị biến chứng.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tổn thất lũy tích về kinh tế đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình do các bệnh không lây nhiễm là trên 7.000 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2011-2025 (bình quân mỗi năm gần 500 tỷ USD).