Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ vụ cướp tại trạm thu phí Dầu Giây: Hoài nghi về tiến độ dự án thu phí tự động không dừng

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ cướp tài sản xảy ra tại trạm thu phí trên cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã chỉ ra rất nhiều bất cập đang diễn ra tại các trạm BOT giao thông.

Một lần nữa, câu chuyện về tiến độ thực hiện dự án thu phí tự động không dừng lại được nhắc đến với sự thất vọng và hoài nghi.
Câu chuyện về vụ cướp có lẽ sẽ chẳng ồn ào đến vậy nếu không phát sinh nhiều thông tin bất bình thường liên quan đến doanh thu trên tuyến cao tốc này. Nghi vấn về việc chủ đầu tư “khai man” doanh thu thực tế cũng từ đó bắt đầu xuất hiện.
Nghi vấn chủ đầu tư “khai man” doanh thu thực tế
Các trạm BOT hiện nay có đảm bảo được vấn đề an ninh cũng như tính minh bạch, chính xác về doanh thu thu phí hay không? Đó là câu hỏi được dư luận nhắc tới rất nhiều trong những ngày qua, đặc biệt là sau vụ cướp tài sản xảy ra tại Trạm thu phí Dầu Giây (thuộc tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây) ngày 7/2 (tức mùng 3 Tết Kỷ Hợi).
Sau khi vụ cướp xảy ra, đơn vị quản lý thu phí và vận hành dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E, là công ty con của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) thông tin, số tiền trong két sắt trước thời điểm bị cướp là hơn 3,23 tỷ đồng. VEC E cũng nhận định, hai tên cướp đã chọn đúng thời điểm các nhân viên giao ca, két sắt mở, để gây án.
 Trạm thu phí Dầu Giây.
Trước đó, chính trong báo cáo tổng kết năm 2018 của đơn vị, VEC E đã đưa ra con số doanh thu là 1.100 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi ngày bình thường, số tiền VEC E thu được từ việc thu phí trên toàn tuyến cao tốc này khoảng 3,3 - 3,4 tỷ đồng. Cá biệt trong những ngày cao điểm như lễ, Tết, doanh thu đạt 5 - 6 tỷ đồng. Trong khi đó, với số tiền VEC E báo cáo tồn tại trong két sắt khi vụ cướp xảy ra là 3,23 tỷ đồng, cộng với việc VEC E khẳng định hai tên cướp chọn thời điểm giao ca để hành động, có thể thấy rằng doanh thu trong một ca (vào thời điểm ngày mùng 3 Tết) là hơn 3 tỷ đồng.
Tính ra, một ngày thu phí 3 ca, doanh số thu phí lên đến 8 - 9 tỷ đồng. Đây là con số chênh lệch rất lớn so với báo cáo tổng kết năm 2018 của VEC E trước đó. Đây chính là lý do khiến dư luận dấy lên mối nghi ngờ về việc chủ đầu tư đã “khai man” doanh thu thu phí.
Ngay sau khi những lùm xùm trên xuất hiện, VEC E đã lên tiếng giải thích. Theo đơn vị này, số tiền hơn 3,2 tỷ đồng trong két sắt vào thời điểm bị cướp là tổng thu của 8 ca trực chứ không phải một ca. Trong đó có số tiền thu được từ 2 ca trong ngày 4/2, 3 ca trong ngày 5/2 và 2 ca trong ngày 6/2. Ngoài ra còn có tiền quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp, tiền lẻ phục vụ 10 ngày Tết do ngân hàng không đổi tiền lẻ trong suốt dịp Tết.
VEC E quả quyết trong ca 3 ngày 7/2 trước khi vụ cướp xảy ra chỉ thu được hơn 300 triệu đồng. Còn việc cho rằng 3,23 tỷ đồng trong két sắt là tiền của một ca trong ngày 7/2 chỉ là sự… hiểu nhầm.
Hiện tại, chưa rõ câu chuyện về việc VEC E cố tình “khai man” doanh thu thu phí như dư luận đặt nghi vấn có chính xác hay không, chỉ biết rằng ngay sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lên tiếng khẳng định sẽ có kế hoạch kiểm tra công tác thu phí của VEC. Đây là động thái được đưa ra vào đúng thời điểm xuất hiện một số luồng thông tin về vấn đề về doanh thu thu phí của tuyến cao tốc này nói riêng và tính minh bạch trong thu phí của các tuyến cao tốc do VEC quản lý, vận hành khai thác nói chung.
Chủ đầu tư BOT cố tình “cãi lệnh” Thủ tướng?
Trở lại với câu chuyện về việc chậm trễ trong triển khai dự án thu phí tự động không dừng. Đây là dự án được Chính phủ đưa ra với lộ trình rõ ràng là hết năm 2018 cả trạm thu phí sử dụng đường bộ trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ thu phí tự động không dừng. Đến hết năm 2019 áp dụng cho tất cả các trạm thu phí còn lại.
Tuy nhiên, đến nay, dự án chưa thể hoàn thành theo tiến độ đề ra. Ông Tô Nam Toàn – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, việc dự án bị chậm trễ phần lớn sự phối hợp của các nhà đầu tư BOT đường bộ trong việc triển khai dự án thu phí tự động không dừng chưa được tốt. Một số nhà đầu tư BOT đường bộ hiện nay ngại minh bạch, lo không kiểm soát được nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động, thậm chí là tìm cách giấu doanh thu.
“Tính đến hết năm 2018, chỉ có 26 trạm BOT với 91 làn thu phí không dừng được đưa vào vận hành. Tiến độ trên là đã thành công bước đầu nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ đặt ra” - ông Toàn nói.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Phạm Văn Hùng – Viện phó Viện Khoa học Công nghệ GTVT phía Nam khẳng định, hiện nay hầu hết chủ đầu tư các trạm BOT đường bộ trên cả nước đang viện dẫn đủ lý do để không triển khai thực hiện thu phí tự động không dừng. Đây chính là động thái cố tình “cãi lệnh” của Thủ tướng Chính phủ khi dự án thu phí tự động không dừng do Chính phủ đưa ra và có chỉ đạo cụ thể, rõ ràng về lộ trình thực hiện. Sự chây ì này cũng xuất phát từ chính tâm lý sự công khai, minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT.
Liên quan đến mối nghi nghờ về việc nhà đầu tư cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây “khai man” doanh thu thu phí xuất hiện sau vụ cướp vừa xảy ra tại Trạm BOT Giầu Dây, Viện phó Viện Khoa học Công nghệ GTVT cho rằng việc dư luận đặt ra nghi ngờ là hoàn toàn có căn cứ. Bởi, mối nghi vấn về tính minh bạch trong thu phí BOT giao thông đã xuất hiện từ lâu chứ không phải đến bây giờ mới có.
Trước đó, chính Thanh tra của Bộ GTVT đã phát hiện một số hoạt động tiêu cực làm thất thoát doanh thu thu phí tại Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng như tại Trạm BOT Đại Yên trên QL18. “Chủ đầu tư các dự án thường hay bám vào số liệu báo cáo lúc làm dự án để báo cáo tiền phí thu được, trong khi thực tế số lượng phương tiện đã tăng lên rất nhiều. Số tiền còn dư thì ỉm đi, đấy gọi là tiền thất thoát” - PGS.TS Phạm Văn Hùng nói.
Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ GTVT, những lùm xùm trong công tác thu phí tại các dự án BOT giao thông đã xuất hiện rất nhiều trong những năm qua, cũng có không ít đoàn thanh tra vào cuộc để thanh, kiểm tra tại các trạm thu phí.
Tuy nhiên, kết quả gần như không phát hiện được gì hoặc có phát hiện nhưng cuối cùng mọi chuyện vẫn “chìm nghỉm”. “Thanh tra, kiểm tra chỉ đi một đoạn, một lúc, chỉ dựa vào sổ sách, chứng từ thì rất khó để nhìn ra sai phạm” – PGS.TS Phạm Văn Hùng nhận định.
Mới đây, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang yêu cầu các nhà đầu tư BOT bàn giao toàn bộ trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí trước 30/3/2019 để triển khai thu phí tự động không dừng.
Chưa rõ đến hạn 30/3 tới, dự án thu phí tự động không dừng có được hoàn thành như lời khẳng định của ông Thắng hay không, chỉ biết rằng trong thời gian qua, rất nhiều mốc thời gian đã được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đặt ra với lời quả quyết sẽ hoàn thành dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng nhưng rốt cuộc vẫn bị lỡ hẹn.

"VETC đã tập trung đầy đủ thiết bị lắp mở rộng làn nhưng phải cất trong kho không lắp đặt được. Dự án đang gặp khó do một số nhà đầu tư BOT không bàn giao mặt bằng để mở rộng làn thu phí không dừng."  - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thu phí tự động VETC Nguyễn Văn Dưỡng


"Ngoài việc nhanh chóng đẩy nhanh toàn bộ việc thu phí tự động, minh bạch thông tin tại tất cả các làn, các trạm thu phí, cần mở rộng mạng lưới tai mắt từ Nhân dân, cùng nhiều thành phần trong xã hội để hạn chế cơ hội tồn tại của lợi ích nhóm." - Giảng viên chính sách công trường ĐH Fulbright, TS Huỳnh Thế Du