Vụ việc Big C tạm ngừng đặt hàng dệt may Việt Nam, đã đặt ra vấn đề đối với Bộ Công Thương, đó là tạo sự cân bằng lợi ích giữa DN bán lẻ nước ngoài và DN sản xuất Việt Nam. Theo bà, liệu có cân bằng được lợi ích giữa hai bên?- Bản thân tôi với kinh nghiệm quản lý, khai thác hệ thống siêu thị Fivimart nên có thể khẳng định để có được sự cân bằng lợi ích nói chung giữa các DN đã là rất khó; Chưa kể ở đây phải cân bằng lợi ích giữa nhà bán lẻ quốc tế với DN sản xuất Việt Nam là việc làm càng khó hơn. Bởi DN bán lẻ quốc tế luôn đặt lợi ích DN lên hàng đầu thông qua mua được hàng giá rẻ, còn DN sản xuất Việt Nam để đạt được lợi nhuận lại phải bán được sản phẩm với giá cao, như vậy sẽ phát sinh mâu thuẫn về mặt lợi ích giữa DN bán lẻ với DN sản xuất.Muốn giải quyết mâu thuẫn này đòi hỏi phải tạo ra lực đẩy và lực kéo, theo tôi lực đẩy ở đây là khách hàng chọn sử dụng sản phẩm thì doanh số bán lẻ, sản xuất phát triển. Còn lực kéo là cơ quan quản lý của Nhà nước xây dựng tiêu chuẩn hóa các quy định liên quan đến việc đầu tư, khai thác hệ thống bán lẻ hiện đại, qua đó tạo điều kiện cho siêu thị vận hành thuận lợi.Từ vụ việc Big C, theo bà các DN bán lẻ Việt sẽ học được gì?- Tôi cho rằng, việc Hệ thống siêu thị Big C ra thông báo tạm ngừng nhập hàng may mặc của Việt Nam như vừa qua là hành động sai lầm, không đáng có. Bởi cách làm này động chạm đến lòng tự tôn dân tộc, cũng như ý thức người dân trong việc dùng hàng nội địa sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được nâng cao. Trên thị trường, khách hàng quyết định sự sống còn của nhà bán lẻ. Khách hàng ở đây là ai, đó là người dân Việt Nam, nếu Big C cương quyết thực hiện hành động này không khác nào đưa mình vào chỗ không lối thoát khi người tiêu dùng tẩy chay không đến hệ thống siêu thị này mua hàng hóa. Đây có thể xem là bài học mà DN bán lẻ nói chung và Big C nói riêng cần phải rút kinh nghiệm, không phải cứ muốn chuyển đổi cách thức kinh doanh là chuyển đổi không cần thăm dò ý kiến người tiêu dùng, phản ứng thị trường.Một số nước như Ấn Độ, Indonesia… đã có quy định về tỷ lệ hàng nội địa bán trong siêu thị FDI trong khi Việt Nam chưa có quy định này. Theo bà, Việt Nam có nên học tập cách làm trên của các nước hay không?- Việt Nam không quy định chuỗi bán lẻ của các DN ngoại phải bán bao nhiêu phần trăm hàng hóa Việt Nam và nếu có quy định này cũng chưa chắc chắn phù hợp với thực tế. Nếu Bộ Công Thương ra quy định tỷ lệ phần trăm hàng Việt bán trong siêu thị FDI thì việc kiểm soát được tỷ lệ đó cũng không hề đơn giản do chúng ta chưa có quy định cụ thể thế nào là hàng “Made in Vietnam”.Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sâu rộng, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để giúp DN sản xuất đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị ngoại tiêu thụ, DN bán lẻ mở rộng hệ thống phân phối?- Thực tế cho thấy những năm gần đây, hàng Việt đang phát triển rất mạnh cả bề sâu và bề rộng, đặc biệt là hàng nông sản đã xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Úc... nơi có những quy định ngặt nghèo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Kết quả này cho thấy để đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị ngoại, DN Việt phải thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đa dạng mẫu mã, đảm bảo vệ sinh thực phẩm... DN bán lẻ Việt Nam muốn phát triển hệ thống phân phối phải xác định lấy khách hàng làm trung tâm, từ đó nâng cao năng lực, đổi mới mô hình, cách thức hành động của mình nhằm đáp ứng xu thế mới. Hàng hóa tốt, hệ thống phân phối tốt, chúng ta mới đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với DN bán lẻ nước ngoài.Cùng với đó, chúng ta phải chăm chút xây dựng được nhiều tập đoàn lớn mạnh như VinMart, Co.opmart thì mới làm chủ được sân nhà. Nếu làm chủ được phân phối sẽ làm chủ được sản xuất.Xin cảm ơn bà!