Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tương lai bất trắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo kế quả kiểm phiếu sơ bộ, Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML- N) đã chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử hôm 11/5, giúp ông Nawaz Sharif lần thứ 3 trở thành Thủ tướng Pakistan.

Tuy nhiên, những cáo buộc gian lận, bạo lực đẫm máu xảy ra vào những ngày qua đã khiến nhiều người lo ngại về một tương lai đầy bất trắc của quốc gia Nam Á này.  Ám ảnh hậu bầu cử Phát biểu trong lễ tuyên bố chiến thắng, ông Sharif cam kết sẽ cải thiện tình trạng tham nhũng, tình trạng thiếu điện, cùng việc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ trị giá nhiều tỷ USD cho Pakistan.

 Đặc biệt, ông Sharif sẽ mời các đảng phái đối lập cùng chia sẻ quan điểm về các vấn đề lớn hiện nay của đất nước này. Với gần 60% cử tri đi bầu - số lượng cao nhất kể từ năm 1977, nhiều người cho rằng, đây là cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt.
 
 
Tương lai bất trắc - Ảnh 1
 
Ông Sharif sẽ trở lại nắm quyền Thủ tướng lần thứ ba.   Ảnh: AP
 

Tuy nhiên, cuộc bầu cử tại Pakistan chưa thể nói là đã thành công, và chiến thắng của ông Sharif cũng không thực sự thuyết phục khi có những cáo buộc gian lận trong ngày bầu cử. Đặc biệt, bất chấp sự hiện diện của 600.000 nhân viên an ninh, cuộc bầu cử chuyển tiếp đầu tiên giữa hai Chính phủ dân sự đã nhuốm máu khi hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương trong các vụ đánh bom, tấn công vào điểm bỏ phiếu.

Trước đó, từ tháng 4, hòng làm nhiễu loạn tình hình Pakistan, lực lượng Taliban tại quốc gia này đã tiến hành các vụ tấn công làm hơn 110 người chết. Ngoài ra, những vấn đề mà Chính phủ mới của Pakistan sẽ phải đối mặt là rất nặng nề vì nếu cuộc sống của người dân không được cải thiện trong 5 năm tiếp theo, nhiều khả năng giới quân sự sẽ quay lại nắm quyền. Những thách thức trên khiến người dân Pakistan lo sợ và bất an về một tương lai sau bầu cử khi mà hiệu quả của nền dân chủ mới vẫn chưa được khẳng định.

Mồi lửa tại Syria đã lan ra khu vực?Trong khi chiêu bài phát hiện vũ khí hóa học tại Syria như đã từng áp dụng cho cuộc chiến tại Iraq của Mỹ và đồng minh chưa thể phát huy tác dụng, Moscow trở thành đích đến của một loạt chính khách quan trọng hàng đầu thế giới như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thủ tướng Anh David Cameron nhằm thuyết phục Nga thay đổi quan điểm trong việc ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad.

Tuy nhiên, kết quả ít ỏi mà Mỹ, Nga và Anh đã đạt được thông qua việc kêu gọi các bên tại Syria chấm dứt xung đột, tổ chức một hội nghị quốc tế về Syria... cho thấy nguy cơ xảy ra chiến tranh vẫn lơ lửng đe dọa bầu không khí vốn nhuốm màu bất ổn của Trung Đông.

Trên thực tế, mồi lửa chiến tranh tại Syria đã lan sang các quốc gia khu vực, vụ nổ bom kép khiến hơn 140 người thương vong tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/5 là một ví dụ điển hình. Vụ việc xảy ra tại thị trấn Reyhanli thuộc tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ - gần biên giới với Syria đã khiến ít nhất 43 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương.

Không những thế, tình hình ở thị trấn Reyhanli trở nên căng thẳng trong vài tuần gần đây khi xảy ra cuộc xung đột giữa những người tị nạn Syria với nhóm thanh niên địa phương khiến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đau đầu hơn vì làn sóng người tị nạn Syria tràn vào nước này ngày càng nhiều.