Liên quan đến vấn đề kinh tế, trong khi Quốc hội Mỹ đang cuống cuồng tìm giải pháp cho cú sốc tài khóa trị giá 600 tỷ USD sẽ diễn ra vào ngày 31/12, một vách đá khác đã hiện ra. Đây cũng là thời điểm đáo hạn của TAG – chương trình bảo hiểm tài khoản thanh toán được Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang sử dụng như giải pháp tạm thời trong giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính trong năm 2008. Nếu TAG hết hạn, hàng trăm tỷ USD sẽ bị rút khỏi hệ thống ngân hàng và có thể khiến thị trường tiền tệ thế giới, vốn đang suy yếu bởi sự nghi ngờ của các nhà đầu tư sẽ bị sụp đổ. Trong khi đó, một cơn bão mới đang càn quét thị trường nhân sự của hệ thống tài chính toàn cầu khi hàng loạt các ngân hàng lớn trên thế giới tuyên bố sa thải hàng ngàn lao động. Một loạt các đại gia ngân hàng toàn cầu như Citiroup sẽ cắt giảm 11.000 nhân viên, Bank of America sa thải 16.000 nhân viên, UBS cũng cắt giảm 10.000 việc làm,... cho thấy tình hình kinh doanh đã trở nên bi đát hơn và buộc các tổ chức tài chính này phải tái cơ cấu mạnh mẽ.
Tương lai của Chính phủ kỹ trị tại Italia cũng trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết khi Thủ tướng Mario Monti cho biết sẽ sớm từ chức do đảng của cựu Thủ tướng S.Berlusconi rút khỏi liên minh cầm quyền. Khủng hoảng chính trị ở Italia có thể làm sâu sắc thêm tình hình tài chính đang căng thẳng của nước này. Rất có thể quốc gia giàu có thứ 3 của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ bị hạ xếp hạng tín nhiệm trong năm 2013 do “những bất trắc” đối với chính quyền và gói thắt lưng buộc bụng mà Chính phủ của ông Monti đang cố thúc đẩy thông qua ở Quốc hội.