Quyết định này được cho là lời cảnh báo với sự tồn tại của các “đế chế” kinh doanh của Nhật Bản.
Việc chia tách sẽ bắt đầu vào tháng 6 và 19.000 nhân viên sẽ được điều chuyển sang các công ty mới. Đây là nỗ lực mới nhất của Toshiba nhằm ngăn chặn việc tập đoàn có thể bị sụp đổ vì chi nhánh điện hạt nhân Westinghouse thua lỗ.
Toshiba lỗ gần 1000 tỷ Yen. |
Tượng đài công nghệ tồn tại 142 năm đã chịu khoản lỗ khổng lồ trong vòng một năm qua. Tính đến hết tháng 3 năm nay, Toshiba đã lỗ gần một nghìn tỷ Yen (tương đương 9 tỷ USD). Khủng hoảng lần này được xem là vô cùng tồi tệ đối với tập đoàn lâu đời của Nhật Bản. Được thành lập từ năm 1875, Toshiba từng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ các đối thủ trong khu vực đã khiến vị thế tập đoàn này bị ảnh hưởng. Năm 2006, Toshiba đã mua lại Westinghouse với giá 5,4 tỷ USD trong một nỗ lực nhằm thoát ra khỏi cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực đồ điện tử, nhất là trong bối cảnh nhu cầu đối với nguồn năng lượng hạt nhân tại Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ tăng cao khi những quốc gia này tìm kiếm nguồn năng lượng ít xả thải hơn.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trở nên rất đắt đỏ và “ngốn” khoảng 3 tỷ USD. Sau đó, trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản hồi năm 2011 diễn ra khiến ngân sách dành cho những nhà máy điện hạt nhân trở nên khắt khe hơn đáng kể.
Nhiều ông lớn ngành điện tử Nhật Bản đang lao đao. |
Không chỉ Toshiba, thời gian gần đây, nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản cũng bị đánh bật khỏi thị trường trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Năm ngoái, Sharp đã chấp nhận mức giá 700 tỷ Yen (khoảng 6,24 tỷ USD) để bán lại cho Foxconn (Mỹ). Do áp lực của cuộc chiến giá cả, tháng 2/2015, Panasonic tuyên bố rút khỏi thị trường TV quốc tế và lui về “sân nhà”. Trong khi đó, tập đoàn Sony buộc phải tách mảng sản xuất TV ra thành một công ty con hoạt động độc lập.
Theo ông Peter Richardson - Giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, các thương hiệu Nhật như Sony và Panasonic luôn chú trọng vào chất lượng, nhưng không có khả năng đem lại sự khác biệt đến thị trường. Ngoài ra, cơ cấu kinh doanh tốn kém và phức tạp khiến các hãng điện tử Nhật Bản khó thu về lợi nhuận đáng kể.
Mặc dù các nhà phân tích cho rằng chính phủ Nhật Bản sẽ không để cho Toshiba tuyên bố phá sản nhưng khi các nhân viên đã tỏ ra thật sự thất vọng đối với quá trình chia tách của một trong những biểu tượng quyền lực của Nhật Bản một thời, tập đoàn này rất khó có thể tiếp tục giữ nhân tài trong chặng đường khó khăn phía trước.
Việc một loạt các đế chế kinh doanh lâu đời của Nhật Bản đang dần đi đến bờ vực phá sản là tín hiệu về nhu cầu cải cách cấp thiết của các tập đoàn kỳ cựu nhưng cũng vốn nổi tiếng là "già cỗi" và cứng nhắc tại xứ sở Mặt trời mọc.