Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tương lai nào cho kịch bản Brexit?

Lan Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đảng Liên minh Dân chủ (DUP) đã nhất trí ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Theresa May nhưng tiến trình rời khỏi EU có thể sẽ không như bà dự tính.

Bà May tự thua trong "canh bạc" của mình
Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội hôm 8/6 đã diễn ra trái với dự tính của Thủ tướng Anh. Đảng Bảo thủ của bà May đã không đủ 326 ghế đa số để tự thành lập chính phủ mới. Điều này bắt buộc đảng Bảo thủ phải tìm kiếm sự liên minh với DUP - đảng chính trị lớn nhất của Bắc Ireland có tư tưởng thân Anh và ủng hộ tiến trình Brexit để củng cố cho kế hoạch rời EU của mình.
 
Thủ tướng Theresa May tuyên bố, sẽ tiếp tục phối hợp với DUP vì lợi ích của Vương quốc Anh, đồng thời khẳng định sẽ cùng DUP thực thi các cam kết về Brexit.
Tuy nhiên, đại diện DUP tuyên bố, sẽ ủng hộ đảng Bảo thủ do bà May đứng đầu trong các cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội Anh nhưng sẽ không thành lập liên minh chính thức với đảng này. Điều này có nghĩa là DUP sẽ ủng hộ chính phủ về ngân sách và các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng các vấn đề khác sẽ được quyết định tùy từng trường hợp cụ thể.
việc DUP không ký liên minh với Bảo thủ cho thấy tương lai của sự hợp tác này là vô cùng lỏng lẻo và dường như không có lợi cho chủ trương tiến hành Brexit “cứng” của bà May.
Cơ hội cho Brexit "mềm"
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Thủ tướng Theresa May luôn nhấn mạnh sẽ thực hiện tiến trình Brexit “cứng”, có nghĩa là không gia nhập thị trường chung và mạnh tay cắt giảm lượng người di cư. Bà May từng tuyên bố cứng rắn rằng, thà không có một thỏa thuận nào còn hơn là đạt được một thỏa thuận tồi.
Tuy nhiên, lựa chọn rời EU nhưng vẫn ở trong thị trường chung một lần nữa được đặt ra trên bàn đàm phán sau khi kết quả cuộc bầu cử Quốc hội không được như dự tính của Thủ tướng Theresa May.
Cuộc đàm phán Brexit với Liên hiệp châu Âu cũng sẽ bắt đầu trong vòng chưa đầy 10 ngày. Bà May đã xác nhận với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng Anh sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán đúng theo kế hoạch.
Kết quả cuộc bầu cử đã không thay đổi được kết quả trưng cầu dân ý về quyết định rời EU, nhưng nó đã định hình lại quá trình tiến hành Brexit, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nick Clegg nhận định.
Việc không có đủ đa số ghế trong Quốc hội và chỉ nhận được một sự “ủng hộ hạn chế” lỏng lẻo từ DUP đã cho thấy, ý tưởng Brexit “cứng” của bà May vấp phải phản đối nhiều hơn dự đoán. “Kết quả này cho thấy, lựa chọn Brexit “mềm” đang chiếm ưu thế trong quốc hội", ông Clegg cho hay.
Quan trọng hơn, tư duy ủng hộ Brexit “mềm” cũng xuất hiện ngay trong chính đảng Bảo thủ của bà May. Một số Bộ trưởng cũng từng thể hiện mong muốn việc Anh tiếp tục là thành viên thị trường chung được đưa trở lại bàn thảo, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond.
Brexit “mềm” có nghĩa là nước Anh sẽ vẫn nằm trong khu vực Kinh tế châu Âu và vẫn tiếp cận toàn diện với thị trường chung bằng cách tham gia Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) cùng với Na Uy, Thụy Sĩ và các nước khác.