Tương lai nào cho ngành sư phạm?

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất tăng lương giáo viên không được chấp nhận, câu chuyện thừa, thiếu giáo viên cục bộ, sinh viên sư phạm không có việc làm, những lùm xùm chuyện “chạy trường” để có suất dạy hợp đồng làm nóng dư luận thời gian qua… khiến cho bức tranh tuyển sinh sư phạm ngày càng trở nên ảm đạm.

Cùng đó, với việc sẽ siết chặt đầu vào của Bộ GD&ĐT, không ít người lo ngại, ngành sư phạm vì thế, càng khó tuyển được nhân lực giỏi toàn diện.
Siết đầu vào ngành sư phạm

Một trong những điểm đáng chú ý trong tuyển sinh ngành sư phạm năm 2018 là sẽ siết chặt đầu vào. Theo đó, học sinh có học lực loại giỏi mới được xét tuyển vào các trường đại học sư phạm. Bộ GD&ĐT cũng sẽ quy định điểm chuẩn đối với ngành này, thay vì để các trường tự xác định. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT thì đây là một trong những quy định đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm. Năm nay, trường sư phạm sẽ có mức điểm chung cao hơn so với các ngành nghề khác. “Có thể số lượng trúng tuyển, đăng ký xét tuyển sẽ ít đi nhưng chúng tôi cũng không sợ thiếu nhân lực. Trong những năm qua, nhân lực cho ngành sư phạm đã khá dồi dào” - bà Phụng nói.
Giờ học của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.  Ảnh: Nguyễn Đức
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các bộ, ban ngành khảo sát nhu cầu sử dụng giảng viên của địa phương, tổng hợp thành nhu cầu toàn quốc trong khoảng 6 năm tới. Điều này để xác định, khi các em thi vào năm nay sẽ biết 4 năm sau ra trường, nhu cầu tuyển dụng lao động ra sao. Bộ dự định về quy mô đào tạo ngành sư phạm trong những năm tới trên cơ sở dự tính về dân số, nhu cầu đào tạo. Đồng thời, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được khống chế bằng hoặc thấp hơn nhu cầu tuyển dụng để đảm bảo các em ra trường có tỷ lệ việc làm cao hơn. Những em ra trường chưa có việc làm vẫn có cơ hội để tuyển dụng. “Khi chỉ tiêu tuyển sinh đã căn cứ nhu cầu sử dụng lao động có nghĩa tỷ lệ việc làm sau khi học đảm bảo hơn. Đây cũng là yếu tố thu hút sinh viên giỏi vào trường sư phạm” - bà Phụng nhấn mạnh.

Sẽ thiếu nhân lực chất lượng cao?

Trước những lo ngại của học sinh sắp thi vào sư phạm khó xin việc bởi nghề này có nhiều… rủi ro. Đặc biệt là câu chuyện sa thải hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk khiến nhiều em nản lòng khi có ý định thi ngành sư phạm. TS Phạm Mạnh Hà – Phó trưởng Khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nhận định, trong thời gian qua, ngành sư phạm thất nghiệp nhiều. Tuy nhiên, theo lộ trình đổi mới giáo dục và sắp xếp lại các trường sư phạm thì trong tương lai, có thể sư phạm sẽ lại là ngành thu hút nhiều lao động. Nhưng để trụ vững với nghề, đòi hỏi sinh viên phải giỏi, có trình độ cao, ra trường không chỉ dạy được một môn mà còn nhiều môn tích hợp.

"Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực của ngành sư phạm, mình Bộ GD&ĐT nỗ lực thôi chưa đủ. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc. Muốn tuyển được người giỏi vào ngành, nhất thiết phải tăng lương cho giáo viên, cùng những chính sách đãi ngộ về việc làm cho cử nhân sư phạm." - GS.VS Đào Trọng Thi

Lo ngại về những chính sách mới này, TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc Bộ GD&ĐT đưa ra quy định “cứng” về học lực để được xét tuyển sư phạm là có phần duy ý chí và khó khả thi. Theo TS Khuyến, muốn học sinh giỏi vào sư phạm thì nên có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp như đối với các trường công an, quân đội. Khi đó, ngành sư phạm sẽ thu hút được người giỏi, không cần phải quy định tiêu chuẩn đầu vào mới tuyển được học sinh khá, giỏi. Còn nếu vẫn còn tình trạng cử nhân sư phạm ra trường, thậm chí thủ khoa thất nghiệp như hiện nay thì việc đặt ra tiêu chuẩn học sinh giỏi vào ngành sư phạm rất khó.

Cùng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng bày tỏ quan điểm: Hiện nay, đánh giá học sinh giỏi chủ yếu dựa vào 2 môn Toán - Văn, trong khi sư phạm lại đào tạo rất nhiều ngành với nhiều môn học khác nhau nên nếu quy định “cứng” về học lực là chưa ổn. TS Vinh đề xuất, thay vào quy định cứng về học lực thì nên xét theo chính môn của ngành đào tạo mà học sinh đăng ký sẽ phù hợp hơn. "Bộ GD&ĐT cần tính toán kỹ nguồn đầu vào của ngành, tránh tình trạng đề ra mức điểm sàn quá cao sẽ dẫn tới việc thiếu đầu vào sư phạm."- TS Vinh nhấn mạnh.