Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tương lai nào cho Tập đoàn Samsung?

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/8, Thẩm phán Tòa án Seoul đã kết án 5 năm tù giam đối với Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong với tội danh hối lộ và khai man, liên quan đến vụ bê bối khiến cựu Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất.

Diễn biến này chắc chắn sẽ gây ra những tác động nhất định tới số phận của “ông lớn” ngành điện tử Hàn Quốc trong tương lai.

 "Thái tử" Samsung Lee Jae Yong bị kết án 5 năm tù.

Ngay sau khi phán quyết được đưa ra, đại diện pháp lý của ông Lee đã lập tức thông báo về việc kháng cáo. Theo đó, vụ việc của “thái tử” Samsung sẽ được chuyển tới Tòa Tối cao và phán quyết cuối cùng có thể được đưa ra vào năm sau. Hiện chưa rõ ông Lee có được giảm án trong phán quyết cuối cùng hay không, nhưng có một điều chắc chắn là uy tín của ông Lee đã bị tổn hại nghiêm trọng và khiến khả năng nắm quyền điều hành Samsung trở nên khó khăn hơn. Trong suốt quá trình xét xử những cáo buộc hối lộ liên quan tới cựu Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye, “thái tử” Samsung thường xuyên đưa ra những luận điểm nhằm chứng minh mình không có nhiều quyền hạn trong việc kinh doanh của Tập đoàn. Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Samsung vẫn chưa có kế hoạch thành lập một ủy ban điều hành hay chức vụ mới để đưa ra các quyết định quan trọng cũng như chiến lược mới cho hoạt động trong tương lai. 

Việc Samsung vẫn hoạt động ổn định và công bố lợi nhuận kỷ lục trong thời điểm ông Lee bị xét xử đã phần nào trấn an tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, Samsung sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn trong kinh doanh, bất kể việc “thái tử” Lee có kháng cáo thành công hay không. Bởi, tập đoàn này sẽ buộc phải đối mặt với thách thức trong việc đưa ra quyết định cho những dự án trọng điểm, bao gồm các vụ sáp nhập và mua lại (M&A).               

 Một trong những nguy cơ khác mà “ông lớn” ngành điện tử Hàn Quốc sắp phải đối mặt là bị buộc tội theo Luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ. Dù Samsung không phải công ty của Mỹ, song việc nền kinh tế lớn nhất thế giới mở rộng phạm vi đạo luật có thể nhắm tới các DN nước ngoài từ năm 2008, khiến Samsung rơi vào tình trạng nguy hiểm. Bởi, nếu thực sự đối mặt án phạt từ đạo luật trên, Samsung có thể bị loại khỏi các dự án kinh doanh tại Mỹ.