Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyên án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/12, TAND TP Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.

Cảnh sát dẫn giải bị cáo Dương Chí Dũng sau khi kết thúc phiên tòa tuyên án.
Cảnh sát dẫn giải bị cáo Dương Chí Dũng sau khi kết thúc phiên tòa tuyên án.
Theo đó, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines Dương Chí Dũng và nguyên Tổng Giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc đều bị tuyên án phạt tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt chung đối với cả hai bị cáo là Tử hình.

Cùng bị tuyên phạt với bị cáo Dũng về hai tội danh này còn có hai bị cáo: Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M) bị phạt tổng hợp mức án là 19 năm tù, Trần Hải Sơn (nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sửa chữa tàu biển Vinalines) bị phạt tổng hợp mức án là 22 năm tù.

Ở nhóm tội danh Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, Tòa đã tuyên phạt các bị cáo: Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) lĩnh án 4 năm tù, Lê Văn Dương (đăng kiểm viên) bị phạt 7 năm tù, Mai Văn Khang (cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines) bị phạt 7 năm tù.

Cũng về tội danh này, 3 bị cáo nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa gồm: Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng cùng chung mức hình phạt 8 năm tù.

Ngoài án phạt tù, Tòa còn tuyên buộc bị cáo Dũng và Phúc đều phải trả lại số tiền đã tham ô 10 tỷ đồng và bồi thường thiệt hại cho Vinalines 100 tỷ đồng, tổng cộng mỗi bị cáo phải bồi thường 110 tỷ đồng.

Tương tự, Chiều phải bồi thường hơn 39 tỷ đồng, Sơn bồi thường hơn 46 tỷ đồng, Khang 12 tỷ đồng, Loan 6 tỷ đồng, Dương hơn 15 tỷ đồng.

Cả 3 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan gồm: Đức, Triện, Lừng, mỗi người phải chịu trách nhiệm bồi thường 9 tỷ đồng cho Vinalines.

Bị cáo Dương Chí Dũng và các bị cáo đứng trước vành móng ngựa nghe hội đồng xét xử tuyên án.
Bị cáo Dương Chí Dũng và các bị cáo đứng trước vành móng ngựa nghe hội đồng xét xử tuyên án.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn quyết định kê biên 3 căn nhà của Dương Chí Dũng để đảm bảo thi hành án là: Căn nhà ở ngõ 26 đường Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội (là tài sản chung của vợ chồng Dũng); căn hộ ở tòa nhà Skycity số 88 Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) và căn hộ ở tòa nhà Pacific số 83 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Đối với Mai Văn Phúc, Hội đồng xét xử quyết định kê biên nhà số 7 đường Lê Quý Đôn, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Bản án của Tòa khẳng định, các bị cáo buộc phải biết ụ nổi 83M là tàu biển và chịu các quy định kỹ thuật, an toàn về tàu biển, chịu các chế tài liên quan đến tàu biển.

Ngoài ra, còn thể hiện ở 1 số giấy tờ khác như: Cục Đăng kiểm cấp đăng ký tạm thời; tờ khai, bảng tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam… Vì vậy, Tòa không chấp nhận quan điểm của các bị cáo và các luật sư cho rằng, ụ nổi không phải là tàu. Việc mua ụ nổi này phải tiến hành đấu thầu theo quy định.

Tuy thấy ụ nổi có chất lượng kém nhưng đăng kiểm viên đã không thể hiện đúng tình trạng ụ nổi, không lập biểu theo đúng quy định… đồng thời thành viên của đoàn khảo sát đã báo cáo không đúng thực tế tình trạng ụ nổi theo chỉ đạo của Dũng, Phúc.

Dũng và Phúc đã thống nhất ý chí với nhau để chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi trái pháp luật. Các cấp dưới của 2 bị cáo này đã tiếp nhận ý chí này của cấp trên để tiến hành các thủ tục mua ụ nổ sai quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Bác bỏ lời kêu oan của các bị cáo về hành vi tham ô, Hội đồng xét xử nhận định, Công ty AP chỉ mua ụ nổi với giá 2,3 triệu USD nhưng do ông Goh Hoon Seow (Giám đốc Công ty AP) đã có mối quan hệ thân thiết với Dũng nên đã nhờ bị cáo Dũng và Phúc “giúp đỡ” trong quá trình bán ụ nổi cho Vinalines.

Trước đó, Công ty AP đã có thỏa thuận với một công ty môi giới của Nga thỏa thuận ăn chia tiền, trong đó có điều khoản về việc chuyển 1,666 triệu USD cho đối tác Việt Nam.

Thư tín dụng của Công ty AP chuyển cho Công ty Phú Hà 1,666 triệu USD cũng ghi rõ là chi phí liên quan đến việc mua ụ nổi 83M. Bản thân Dũng cũng có lời khai thừa nhận số tiền 1,666 triệu là tiền “gửi giá,” nếu không có thì Công ty AP và Vinalines không mua bán được ụ nổi.

Hội đồng xét xử nhấn mạnh: Sơn không thể nhận và chiếm hưởng 1,666 triệu USD một mình, không có quyền ăn chia mà việc phân chia tiền này là thuộc quyền của Dũng và Phúc.

Lời khai của Sơn về việc 2 lần đưa tiền cho Dũng và 3 lần đưa tiền cho Phúc phù hợp với chứng từ chuyển tiền; phù hợp với lời khai của nhân chứng về việc chuẩn bị tiền, mang tiền đi; phù hợp với lịch công tác của Phúc, Dũng; phù hợp với việc xác minh có việc con bị cáo Phúc nhập cảnh vào dịp Sơn đưa tiền.

Về số tiền 340 triệu đồng mà Sơn đưa cho bị cáo Chiều. Tuy lúc đưa, Sơn nói chỉ là “tiền bồi dưỡng” nhưng có chứng cứ khẳng định Chiều biết khoản tiền này là liên quan đến việc mua ụ nổi, nhưng Chiều vẫn lấy sử dụng. Ngay cả bị cáo Chiều trước đó cũng có đoán rằng, mua ụ nổi này là có “lại quả.”

Qua xem xét toàn diện vụ án, trên cơ sở lời khai của các bị cáo, người làm chứng và các chứng cứ, tài liệu liên quan… Hội đồng xét xử khẳng định có đủ cơ sở để kết luận các bị cáo có hành vi: Cố ý làm trái quy định trong việc lập, phê duyệt dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam; Cố ý làm trái trong quyết định đầu tư, tổ chức đấu thầu, khảo sát, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M; Cố ý làm trái trong việc giải ngân, thanh toán Hợp đồng mua ụ nổi giữa Vinalines và Công ty AP - Singapore; Cố ý làm trái trong việc làm thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi 83M…

Các hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước gần 367 tỷ đồng. Trong khoản tiền thiệt hại này, 4 bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn cùng nhau tham ô 1.666.000 USD./.