Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
|
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan Trưng bày "95 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam". Ảnh:TTXVN. |
Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương...
Về phía thành phố Hà Nội, dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng.
Về dự hội nghị có các nhà báo lão thành tiêu biểu và 187 người làm báo tiêu biểu đến từ các cơ quan báo chí trong toàn quốc.
Khẳng định những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020) là dịp để Đảng, Nhà nước, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí tiếp tục khẳng định, ghi nhận, tôn vinh những đóng góp nổi bật và thành tích to lớn của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo cách mạng Việt Nam với rất nhiều thành tích, đóng góp trên các mặt công tác báo chí trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là dịp để những người làm báo, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ công tác trong thời gian tới.
|
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tri ân 7 nhà báo lão thành. |
Ban Tổ chức đã phối hợp lựa chọn 187 người làm báo tiêu biểu để tôn vinh tại hội nghị. Đây là những người làm báo có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động báo chí, được cơ quan, đồng nghiệp tín nhiệm, đánh giá cao; có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng; tuyệt đối trung thành đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì sự phát triển của đất nước; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải; nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người; chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
Hội nghị cũng tôn vinh 7 nhà báo lão thành tiêu biểu, những người đã có cống hiến lớn lao, dành nhiều tâm huyết và tình cảm, có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là các nhà báo: Thái Duy, Phan Quang, Hà Đăng, Phạm Khắc Lãm, Hồ Tiến Nghị, Hồng Vinh, Nguyễn Thị Kim Cúc.
|
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương trao biểu trưng vinh danh người làm báo tiêu biểu. Ảnh: TTXVN |
Lan tỏa tình yêu nghề
Tại hội nghị, các nhà báo lão thành đã giao lưu với 187 người làm báo tiêu biểu được tuyên dương; chia sẻ những bài học, kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp; cách vượt qua những khó khăn, vất vả, cũng như cám dỗ vật chất của đặc thù nghề nghiệp.
Nhà báo lão thành Hà Đăng cho biết, bước vào nghề báo từ năm 1950, đến nay là 70 năm, nhưng, mỗi khi nghĩ về nghề, ông vẫn bồi hồi xúc động: “Yêu nghề yêu báo làm sao/ 70 năm ấy biết bao nhiêu tình/ Đêm về gặp giấc chiêm bao/ Tưởng đâu gác bút giật mình âu lo”. Ông khẳng định luôn tự hào về nền báo chí cách mạng Việt Nam qua các bước trưởng thành rất đáng khích lệ và tin tưởng vào tương lai, đội ngũ làm báo cả nước sẽ tiếp tục tạo nên những dấu ấn mới cho nền báo chí cách mạng nước ta.
Các nhà báo trẻ cũng chia sẻ những câu chuyện nghề và khẳng định, nghề báo khiến họ đam mê, sáng tạo và tự hào vì luôn được đóng góp cho quê hương, đất nước. Biên tập viên Phan Ý Linh - công tác tại Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục, Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ, trong 4 năm làm việc tại đài truyền hình, cô cùng cộng sự đã sản xuất được 24 bộ phim tài liệu, trong đó có 5 bộ phim tài liệu dành cho VTV đặc biệt. Đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin thiết thực, kịp thời, chính xác, kiến thức về dịch bệnh giúp người dân biết tự bảo vệ mình, đồng thời nâng cao sức khoẻ về tinh thần cũng như sự đoàn kết của dân tộc trong thời gian chống dịch.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Quang Thái |
Với vai trò là người làm phim tài liệu, biên tập viên Phan Ý Linh và các cộng sự đã thực hiện bộ phim tài liệu về "COVID-Cuộc chiến tại Việt Nam". Đây là một dữ liệu lịch sử quan trọng cho quốc gia và thế hệ sau này, cho thấy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của mọi người dân Việt Nam; những nỗ lực, ý tưởng, phát minh sáng chế của các nhà khoa học Việt Nam trong việc chung tay với thế giới đẩy lùi dịch bệnh. Biên tập viên Phan Ý Linh tin rằng, những gì có động lực từ tình yêu sẽ luôn khiến mình không phải hối tiếc. Nó được lan tỏa, được cộng hưởng và tạo ra một nguồn năng lượng mạnh mẽ để chúng ta thăng hoa trong công việc mà chưa bao giờ cần dừng lại để hỏi bản thân rằng “Mình có đang dấn thân hay không?”.
Là một nhà báo thuộc thế hệ 8x, nhà báo Vi Thúy Hường, Phó Trưởng Phòng Thư ký tòa soạn, Báo Lạng Sơn, dân tộc Tày bày tỏ vinh dự và tự hào khi được làm việc tại cơ quan báo Đảng, tiếp nối truyền thống của các thế hệ người làm báo cách mạng Việt Nam, đóng góp một phần đưa báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Không ngại khó khăn vất vả, ngay từ khi còn là phóng viên trẻ, mới vào nghề, Vi Thúy Hường luôn hăng hái, tích cực đi cơ sở để nắm bắt, phản ánh những vấn đề thời sự, dư luận quan tâm, từ đó, có những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, nhận được phản hồi tích cực của độc giả. Đến nay, với vai trò là Phó Trưởng phòng Thư ký tòa soạn kiêm phụ trách Phòng Báo điện tử, thời gian qua, nhà báo Vi Thúy Hường tích cực tham mưu cho Ban biên tập trong đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền trên báo in.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Quốc Vượng đã trao biểu trưng tôn vinh 7 nhà báo lão thành tiêu biểu. Các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã trao chứng nhận tuyên dương 187 người làm báo tiêu biểu.
Báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi tới tình cảm thân thiết và lời chào mừng nồng nhiệt tới người làm báo cả nước.
|
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN. |
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vị thế của báo chí và người làm báo được tiếp tục khẳng định. Đây là bước phát triển rất đáng tự hào của báo chí cách mạng - đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng ta. Sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh những cơ hội to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình hình thế giới và khu vực biến động mạnh, chuyển đổi sâu sắc, khó lường; những tác động chưa từng có do đại dịch Covid-19 đã làm kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, chứa đựng những thách thức lớn, tác động sâu sắc đến đất nước ta. Những thành tựu của khoa học - công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song, cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, tạo ra sự “cạnh tranh” giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội…
Trong giai đoạn hiện nay, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý với những người làm báo và cơ quan báo chí. Theo đó, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, hãy học và noi gương Bác Hồ – một nhà báo lớn về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”.
Với lực lượng báo chí lớn mạnh (850 cơ quan báo chí các loại hình, trên 41.000 người làm báo), báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái trên Internet, mạng xã hội. Báo chí cần kịp thời phát hiện, cổ vũ, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng, củng cố, vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, ý chí và khí phách con người Việt Nam.
Các nhà báo cần không ngừng học, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học-công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phán ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp một bộ phận người làm báo, cùng với những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo trong xã hội…
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng bày tỏ tin tưởng, đội ngũ nhà báo hôm nay bằng tình cảm, lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp báo chí cách mạng, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, sẽ tiếp nối được truyền thống của các thế hệ đi trước, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Các nhà báo lão thành tiếp tục cống hiến, trao truyền kinh nghiệm, nhiệt huyết nghề báo cho đội ngũ làm báo hôm nay.
Hội Nhà báo thành phố Hà Nội vinh dự có 4 nhà báo tiêu biểu được tuyên dương tại hội nghị, gồm: Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội (Báo An ninh Thủ đô) Nguyễn Chính Trung. |