70 năm giải phóng Thủ đô

Tuyên dương 194 nhà giáo tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (26/11), Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ tuyên dương các nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật cấp quốc gia.

Trong tổng số 194 nhà giáo và cán bộ quản lý, tiêu biểu được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, trong đó có 57 cán bộ quản lý, 137 giáo viên các cấp học. 

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa  khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm, chăm sóc, bảo vệ và tạo cơ hội để người khuyết tật có cuộc sống ngày càng tốt đẹp, bảo đảm cho mọi trẻ em phải chịu đựng một khiếm khuyết nào đó vẫn được quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ và giáo dục.

 
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Thứ trưởng cũng cho rằng, 194 nhà giáo và cán bộ quản lý được Bộ GD&ĐT tôn vinh, khen thưởng là những tấm gương tiêu biểu về phẩm chất, tài năng, trí tuệ, đại diện cho hàng chục ngàn thầy cô giáo đang chăm sóc, dạy dỗ các em học sinh khuyết tật trong cả nước. 

Các thầy cô chính là hạt nhân, đi đầu trong đổi mới phương pháp, đổi mới hình thức tổ chức giáo dục học sinh khuyết tật; bồi dưỡng, giúp đỡ, dìu dắt đồng nghiệp, để tất cả trẻ em học sinh khuyết tật đều có quyền vui chơi, học tập, góp phần vào việc thực hiện bình đẳng, công bằng trong giáo dục.

Chia sẻ bên lề buổi lễ, cô Nguyễn Thị Kim Nhung, giáo viên trường Tiểu học Trung Hòa (quận Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ, đối tượng học sinh khuyết tật có hoàn cảnh, bệnh tật khác nhau, lứa tuổi cũng không đồng đều, có em 6 – 7 tuổi, em 10 tuổi, thậm chí có em 18 tuổi nhưng cũng chưa biết đọc, biết viết. Khi đến lớp học, có cháu bị bại não, cháu thiểu năng trí tuệ,… các cháu không ý thức được bản năng, do đó các cháu mặc cảm, hòa nhập với các bạn rất khó. 
Cô Nhung cũng cho biết, sau 10 năm miệt mài chăm lo, dạy các cháu khuyết tật, đến nay một số cháu đã biết tự kiếm tiền thông qua học nghề: xoa bóp, bấm huyệt, sửa xe máy, bán hàng qua trang mạng…  Đó là thành công và động lực để cô dìu dắt các thế hệ học sinh khuyết tật sau này.