Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyên dương những tấm gương vượt khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/10, Ban Dân tộc TP phối hợp với Sở GD&ĐT và Thành đoàn Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng học sinh dân tộc thiểu số Thủ đô học giỏi năm 2015. Đây cũng là năm đầu tiên chương trình được tổ chức.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ tặng Giấy khen cho các em học sinh dân tộc thiểu số đạt thành tích xuất sắc. 	Ảnh: Trọng Tùng
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ tặng Giấy khen cho các em học sinh dân tộc thiểu số đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: Trọng Tùng
Xa gia đình đến nay tròn 7 năm, Trần Nhật Linh (dân tộc Mường) có lẽ là cô gái rắn giỏi và mạnh mẽ hiếm thấy. Rời Ba Vì xuống ở cùng người bác ở thị xã Sơn Tây để đi học, rồi cuối tuần lại lọc cọc đạp xe về thăm gia đình. Linh kể: bố mẹ dù rất thương, nhưng vẫn gạt nước mắt để em xuống thị xã Sơn Tây, với mong muốn con gái có thể tiếp cận với điều kiện học tập tốt hơn. Dẫu vậy, việc thiếu vắng tình cảm của bố mẹ không khiến cô gái tuổi 18 quá buồn lòng. Thay vào đó, Linh càng tự nhủ phải học tập, rèn luyện chăm chỉ hơn. Và cô gái trẻ đã không phụ lòng tin yêu của cha mẹ. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, Trần Nhật Linh đạt 26,5 điểm, trở thành tân sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Tính đến tháng 9/2015, tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học, THCS vùng đồng bào dân tộc Thủ đô đã đạt 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học phổ thông đạt khoảng 90%. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương đạt trên 80%.

Trần Nhật Linh chỉ là một trong tổng số 39 học sinh đỗ đại học với số điểm trên 21 trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Bên cạnh đó, 109 gương mặt học sinh các cấp khác có thành tích học tập và rèn luyện cao trong năm học 2014 – 2015 cũng là những bông hoa tươi thắm được vinh danh trong buổi lễ tuyên dương ngày hôm qua (11/10). Trong đó, điển hình là các em đạt giải trong các kỳ thi cấp TP như em Bạch Thị Thanh Tâm (dân tộc Mường, học sinh lớp 1A trường Tiểu học Hợp Thanh) đạt giải Nhất cuộc thi giải toán qua internet; em Nguyễn Thị Tâm (dân tộc Sán Dìu, học sinh trường Hữu Nghị 80) giành giải Ba môn Lịch sử…

Những thành tích học tập ấn tượng của các em học sinh dân tộc có được hôm nay, bên cạnh nỗ lực vượt khó, tinh thần hiễu học tự thân, còn phải kể tới sự quan tâm đặc biệt của T.Ư, TP, các cấp, ban ngành và các tổ chức xã hội.

Trong 5 năm qua, TP đã dành 643 tỷ đồng để đầu tư 50 dự án thuộc lĩnh vực GD&ĐT trên địa bàn 14 xã vùng đồng bào dân tộc. Dự kiến đến hết năm 2015, khu vực miền núi TP sẽ có 35/56 trường đạt chuẩn quốc gia. Các chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại cơ sở tiếp tục được thực hiện đầy đủ theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, cán bộ giáo viên trực tiếp giảng dạy được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% lương cơ bản, được hưởng 0,3 hệ số lương trách nhiệm. Học sinh đến trường được cấp miễn phí trang thiết bị, dụng cụ học tập. Chế độ cử tuyển đối với học sinh người dân tộc tiếp tục được đảm bảo…    

Ông Nguyễn Tất Vinh – Trưởng ban Dân tộc TP nhấn mạnh, tự hào với những thành tích đã đạt được nhưng các em học sinh không nên tự hài lòng mà nên nhớ đó chỉ là những kết quả ban đầu. Các em cần tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự tin yêu của gia đình và xã hội. Để các em học sinh có được điều kiện học tập tốt nhất, ông Vinh kiến nghị các cấp, ban, ngành từ T.Ư đến địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo đầu tư nhiều hơn đối với công tác chăm sóc, giáo dục học sinh vùng dân tộc miền núi, để những bông hoa đẹp của núi rừng tiếp tục được nhân rộng, tô thắm thêm vườn hoa muôn sắc của phong trào thi đua học tập tốt toàn TP.
Những năm qua, công tác chăm sóc giáo dục cho con em vùng đồng bào dân tộc luôn được TP quan tâm. Nếu như năm 2011, toàn TP chỉ có 88 em đạt giải trong các kỳ thi quốc gia thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên thành 140 em. Đặc biệt, trong số đó có không ít con em vùng đồng bào dân tộc. Những thành tích mà các em đạt được chính là niềm tự hào lớn của Thủ đô...
Ông Nguyễn Hữu Độ Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội