Thời gian qua, xã hội đã có những thay đổi trong nhận thức nên việc chọn ngành nghề để học đi vào thực chất hơn. Học để có đủ năng lực làm việc đáp ứng nhu cầu của DN. Hơn nữa, giờ đây, nhiều DN thường lựa chọn những người có năng lực phù hợp chứ không quan tâm đến bằng cấp. Tuy nhiên, thực tế mùa tuyển sinh ĐH 2018 vẫn còn tình trạng trượt ĐH mới đi học CĐ hoặc trung cấp. Về việc này, thầy Phạm Xuân Khánh chỉ ra lý do, các bậc phụ huynh vẫn còn nặng về tâm lý bằng cấp, trình độ đào tạo, mong muốn tương lai của con được thành đạt. Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng lao động của các cơ quan Nhà nước vẫn ưu tiên người tốt nghiệp ĐH, trong khi cơ chế chính sách đối với người làm nghề còn bất cập. Công tác truyền thông cũng chưa tốt nên phụ huynh không biết được bất cập về cơ cấu lao động hiện nay do đào tạo ĐH quá nhiều dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao. Nhiều người tốt nghiệp ĐH đã phải cất bằng để đi làm nghề hoặc học CĐ.Theo thầy Khánh, qua công tác đào tạo của trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội, nhiều học sinh đỗ ĐH hay đang học ĐH chuyển sang học nghề đã tích cực tham gia những hoạt động nghiên cứu khoa học, những cuộc thi tay nghề và đạt được nhiều giải cao. Nhiều sinh viên được các DN ưu tiên tuyển thẳng với mức thu nhập cao, ổn định hoặc tự khởi nghiệp thành công và tạo nhiều việc làm cho sinh viên khóa sau.Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, sinh viên trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm chiếm tỷ lệ tới 96% sau 6 tháng. Thậm chí nhiều nghề, nhà trường không có đủ nhân lực để cung cấp cho DN. Sinh viên của trường luôn được các DN đánh giá cao về ý thức, thái độ làm việc, kiến thức cũng như kỹ năng làm việc. “Bắt đầu từ năm học 2018 – 2019, nhà trường thực hiện chính sách “Tuyển sinh là tuyển dụng”. Theo đó, nhà trường, gia đình và sinh viên ký vào bản hợp đồng đào tạo đảm bảo 100% tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra có việc làm. Hoặc các em có thể tự tạo việc làm với mức thu nhập từ 5 - 15 triệu đồng/tháng” – thầy Khánh cho hay.