Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội: Nên thi tự luận hay trắc nghiệm?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở GD&ĐT Hà Nội đã chốt phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020. Điều mà nhiều người băn khoăn là môn Ngoại ngữ và môn tự chọn thứ tư nên thi trắc nghiệm hoàn toàn hay trắc nghiệm kết hợp với tự luận?

Tránh việc học lệch, học tủ
Cuối cùng, phương án thi 4 môn độc lập trong 3 phương án do Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra lấy ý kiến các phòng GD&ĐT và các trường phổ thông đã được chốt. Theo đó, học sinh sẽ thi 4 bài gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 là một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Môn thi thứ 4 sẽ được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng 3/2019. Thời gian làm bài đối với môn Toán, Ngữ văn là 120 phút, 2 môn còn lại 60 phút. Phương án này được nhiều chuyên gia, giáo viên và các trường đồng tình ủng hộ. Bởi việc thi nhiều môn hơn năm trước, học sinh sẽ phải học đều, chống được học tủ, học lệch.
 Thí sinh làm bài thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2017. Ảnh: Thanh Hải
Thầy Đặng Thanh Quang – Hiệu trưởng trường THCS Đại Áng (huyện Thanh Trì) bày tỏ sự đồng tình với phương án được Sở GD&ĐT Hà Nội lựa chọn. Bởi theo thầy Quang, chúng ta đang hội nhập nên môn Ngoại ngữ rất quan trọng. Với môn thứ 4 được lựa chọn trong số 6 môn còn lại, học sinh phải học đều là thực hiện đúng chủ trương của Bộ GD&ĐT”. Tương tự, cô Lê Thị Thúy Nga – Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cũng ủng hộ phương án này và cho rằng, việc đổi mới thi sẽ giải quyết được bài toán đầu vào cho các trường THPT, bởi học sinh sẽ có nền tảng cơ sở để học tiếp, thay vì chỉ học lệch môn Toán và Ngữ văn.

Môn thứ tư có nên thi trắc nghiệm?

Mặc dù đồng tình với phương án của Sở, tuy nhiên nhiều ys kiến cho rằng, để thay đổi trong tuyển sinh không làm xáo trộn và khó khăn cho học sinh, nên môn Toán, Ngữ văn vẫn thi tự luận như những năm trước. Thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều) đề nghị đề nội dung câu hỏi hai môn này vẫn ra như cũ để tránh thay đổi nhiều. Riêng đối với môn Ngoại ngữ, trong thời gian 60 phút, Sở GD&ĐT Hà Nội nên chọn hình thức thi tự luận kết hợp trắc nghiệm để đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ năng của môn này. Còn bài thi thứ 4 là môn tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) thì nên thi trắc nghiệm, sẽ giúp học sinh quen dần trước khi bước vào bậc THPT. Đây cũng là khâu chuẩn bị của Sở GD&ĐT Hà Nội cho phương án bài thi tổ hợp sau này. Đối với môn thi thứ 4 là một trong 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân thì nên thi tự luận.

Tuy nhiên, lại có những ý kiến không đồng tình với đề nghị bài thi hoàn toàn trắc nghiệm khách quan. Theo thầy Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai), hình thức thi trắc nghiệm có mục đích để xem sở trường của học sinh thế nào rồi hướng nghiệp. Thi trắc nghiệm có độ rủi ro rất cao. “Tôi đề nghị, môn Ngoại ngữ một phần bài thi là tự luận, phần còn lại là trắc nghiệm. Với môn lựa chọn thứ tư, thi tự luận hoàn toàn là tốt nhất để phát triển khả năng của học sinh. Mọi người cứ nghĩ thi trắc nghiệm sẽ không xảy ra tiêu cực, nhưng không hẳn như thế. Trong phòng thi, khi một học sinh chỉ cần làm động tác theo quy ước ngầm với nhau, các học sinh khác sẽ biết kết quả” – thầy Thành nói.