Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyên truyền gắn với xử lý nghiêm vi phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề giao thông tại các đô thị lớn luôn có những diễn biến phức tạp, TNGT tuy giảm so với năm trước song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ hạ tầng, phương tiện và người tham gia giao thông.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, tính đến hết tháng 9/2015, cả nước đã xảy ra 16.459 vụ TNGT, làm 6.518 người chết, 14.929 người bị thương. Trong đó, tai nạn liên quan đến mô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ cao. Dù các cơ quan quản lý đã liên tục đưa ra nhiều giải pháp, song những “căn bệnh” giao thông cố hữu vẫn chưa thể trị dứt điểm.

Đâu là nguyên nhân?

Từ những con số thống kê vô tri vô giác mà đau đớn, ám ảnh đã đặt ra trong lòng những người còn sống câu hỏi: “Nguyên nhân là do đâu?”. Nguyên nhân có thể là do chính bản thân mình, hay do những người cùng tham gia giao thông? Nguyên nhân do yếu tố chủ quan hay yếu tố khách quan mang lại? Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do số lượng phương tiện giao thông cá nhân đường bộ quá nhiều. Ai cũng biết phần lớn các vụ TNGT là từ hoạt động giao thông đường bộ. Mức độ tăng quá nhanh của xe máy tại các đô thị khiến hạ tầng giao thông dù được đầu tư xây dựng mới lẫn cải tạo nâng cấp vẫn không thể đáp ứng. Rõ ràng, sự gia tăng phương tiện dẫn đến sự gia tăng số vụ TNGT liên quan chặt chẽ đến chất lượng hạ tầng giao thông.
Cảnh sát giao thông Đội 3, Công an Hà Nội làm nhiệm vụ tại nút giao thông Thái Hà - Láng Hạ.	 Ảnh: Chiến Công
Cảnh sát giao thông Đội 3, Công an Hà Nội làm nhiệm vụ tại nút giao thông Thái Hà - Láng Hạ. Ảnh: Chiến Công
Sự phát triển quá nhanh của phương tiện giao thông cá nhân đã khiến đường sá trở nên chật hẹp. Chất lượng các công trình hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Một phần do quá tải, một phần do công trình kém chất lượng, một phần do sự chắp vá trong quá trình sửa chữa, nâng cấp. Tình trạng sụt lún, sạt lở, bong nứt mặt đường thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường có số lượng phương tiện giao thông lớn. Bên cạnh đó, việc người dân có thói quen lấn chiếm vỉa hè, sử dụng mặt đường làm nơi buôn bán, kinh doanh dẫn đến lòng đường trở nên chật hẹp và che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông.

Nhưng nguyên nhân cốt lõi hơn cả chính là con người, nói nôm na chính là văn hóa giao thông của phần đa người dân hiện nay. Việc sử dụng rượu, bia và các chất kích thích ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều khiển phương tiện giao thông. Nghiên cứu của các nhà khoa học Nga đã chỉ ra rằng, khi nồng độ cồn trong máu đạt từ 0,3 - 0,5% thì nguy cơ để xảy ra TNGT tăng gấp 7 lần, còn khi đạt từ mức từ 1,0 - 1,4% thì nguy cơ tăng lên đến 30 lần. Sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, tài sản đã trở thành thói quen cố hữu của người tham gia giao thông, dẫn đến sự thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ của nhiều người. Có thể nói, mặc dù đã được siết chặt nhưng công tác đào tạo và cấp bằng lái xe vẫn mang nặng tính hình thức, với mục đích của người học là có bằng lái xe chứ không phải hiểu biết luật lẫn kỹ năng lái xe. Chính vì không nắm vững luật nên nhiều người rất sợ gặp CSGT. Nỗi sợ hãi khiến họ tính cách né tránh hay vô thức bỏ chạy khi bị CSGT ra tín hiệu dừng xe.

Nói đi đôi với làm

Để có thể giải quyết triệt để “căn bệnh nan y” này đòi hỏi sự quyết tâm không chỉ của những người có chức trách đứng đầu, mà hơn hết cần có sự đồng thuận “chung sức chung lòng” của toàn dân. Hàng năm, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phát động rất nhiều cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền, các buổi tọa đàm để phổ biến cho người dân về những vấn đề nóng của ATGT và cách khắc phục. Nhưng lời nói mà không đi đôi với việc làm thì thật khó có thể khắc phục triệt để.

Trước mắt, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT thông qua các cơ quan thông tin đại chúng và tuyên truyền về tình hình trật tự ATGT, cần đổi mới hình thức nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. Bên cạnh đó, thường xuyên khảo sát, phát hiện những bất cập mới phát sinh trong công tác tổ chức giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời, bổ sung hệ thống biển báo, hạn chế tốc độ, nhất là các tuyến, nút trọng điểm có nguy cơ ùn tắc, các “điểm đen” về TNGT. Khi có ùn tắc cần phối hợp với phương tiện thông tin đại chúng để nhanh chóng thông báo cho các lái xe biết để đi đường khác, đồng thời cử lực lượng chức năng đến giải quyết.

Song song đó, cần phát huy sức mạnh nòng cốt của các lực lượng trong việc đảm bảo trật tự ATGT. Quyết liệt cưỡng chế đối với những phương tiện đỗ sai quy định, có như vậy mới tạo thói quen cho người dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về ATGT. Đồng thời, cần quyết liệt chấm dứt tình trạng xin xỏ, tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm giao thông, vì các hiện tượng trên làm cho người dân mất lòng tin vào sự nghiêm minh của pháp luật.

Ngoài việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông và xử lý nghiêm vi phạm, các cấp, ngành cần quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng giao thông, kết hợp với sự quản lý chặt chẽ... Với những giải pháp cụ thể, quyết liệt, tin rằng mục tiêu giảm thiểu các vấn đề “nóng” của giao thông sẽ được làm tốt, góp sức xây dựng một Việt Nam an toàn.