Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/9, Đoàn giám sát của HĐND TP đã đi giám sát công tác chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại huyện Hoài Đức.

Toàn huyện Hoài Đức hiện có 51/53 làng có nghề, trong đó có 9 làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm được công nhận như: Làng nghề chế biến lương thực thực phẩm Lưu Xá (xã Đức Giang), làng nghề bánh kẹo và dệt kim La Phù, làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai…

Đáng chú ý, Hoài Đức là huyện có số DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm rất lớn với trên 3.100 cơ sở. Về sản xuất nông nghiệp, huyện Hoài Đức có gần 300ha rau được sản xuất trong vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, tập trung ở các xã Song Phương, Vân Côn, Tiền Yên, Cát Quế… Ngoài ra, huyện có hơn 130ha cây ăn quả đủ điều kiện sản xuất n toàn, tập trung tại vùng bãi của các xã Đắc Sở, Tiền Yên, Cát Quế, An Thượng.

 Kiểm tra sản xuất tại Công ty TNHH Việt Thái, xã La Phù, huyện Hoài Đức.

Theo đánh giá của UBND huyện Hoài Đức, thời gian qua, công tác quản lý chất lượng ATTP trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và cơ sở sản xuất được nâng lên đáng kể. Nhiều sản phẩm của huyện đã được đưa vào các siêu thị và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Các cơ sở đã chú trọng đầu tư cải thiện điều kiện sản xuất, trang thiết bị, máy móc hiện đại, nhà xưởng rộng rãi, thoáng mát.

Các bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục đã có nhiều cố gắng để đảm bảo ATTP, vệ sinh nội ngoại cảnh, dụng cụ chế biến thực phẩm đảm bảo sạch sẽ và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Nhờ đó, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức không xảy ra ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh nguy hiểm truyền qua thực phẩm.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức, trên địa bàn huyện vẫn còn có các cơ sở chưa đảm bảo ATTP, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, sản xuất mùa vụ, thức ăn đường phố. Vi phạm chủ yếu là vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân, quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, công nhân chưa được khám sức khỏe định kỳ và cấp giấy xác nhận đảm bảo ATTP… làm ảnh hưởng đến chất lượng ATTP, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Trong vòng 5 năm qua (2011 – 2016), huyện Hoài Đức đã xử phạt 297 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương đánh giá cao kết quả huyện Hoài Đức đã đạt được trong công tác quản lý ATTP, với đặc thù dân số đông, nhiều làng nghề truyền thống, nhất là các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm.

Tiếp thu các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của huyện, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương cho biết sẽ báo cáo Thường trực HĐND TP để sớm có hướng tháo gỡ cho địa phương. Đồng thời đề nghị, Sở Y tế, NN&PTNT, Công Thương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tham mưu tháo gỡ giúp các huyện những khó khăn về quản lý ATTP, nhất là công tác lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương đề nghị huyện Hoài Đức tiếp tục nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo công tác quản lý ATTP. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATTP tới người dân, cơ sở sản xuất với nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, triển khai tốt việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, ký cam kết đảm bảo ATTP tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ATTP.

Trước đó, Đoàn đã đi kiểm tra sản xuất tại Công ty TNHH Việt Thái, xã La Phù, huyện Hoài Đức.