Cụ thể, các địa phương phối hợp cơ quan chức năng tuyên truyền, giáo dục cho người dân biết về các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng các biện pháp bảo đảm vệ sinh ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm; chỉ sử dụng nước sạch và nguyên liệu thực phẩm an toàn để chế biến; chỉ ăn thực phẩm đã được nấu chín, uống nước đun sôi; tuyệt đối không ăn tiết canh, thức ăn sống, tái… Theo các chuyên gia y tế, tiết canh là món ăn có thể chứa rất nhiều mầm bệnh. Người ăn tiết canh rất dễ bị rối loạn tiêu hóa do trong đó nhiễm khuẩn như tả, lỵ, E. Coli và nặng hơn có thể do ngoại độc tố của tụ cầu vàng, một tác nhân rất hay nhiễm vào các thức ăn để lâu và gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa cũng có thể do nhiễm các chất độc, chất phụ gia hoặc dị ứng với các thành phần có trong tiết canh. Người ăn tiết canh cũng có nguy cơ nhiễm các loại virut hay sống ký sinh ở dịch đường hô hấp các loại thủy cầm và gia súc, hoặc nhiễm ấu trùng sán lợn. Nếu không may bị nhiễm cúm A chủng H1N1, H7N9 sẽ vô cùng nguy hiểm. Những chủng virut này có độc tính rất cao, sau khi vào cơ thể thường gây tổn thương đường hô hấp trên và phổi, nhiều trường hợp bệnh nhân đã tử vong. Thống kê cho thấy ở nước ta, trên 70% các trường hợp bị mắc liên cầu lợn là do ăn tiết canh lợn và khi làm xét nghiệm luôn tìm thấy liên cầu lợn trong tiết, trong dồi, lòng và cả trong thịt chưa nấu chín kỹ.