TVB loại một số mã cổ phiếu khỏi danh mục cho vay của công ty. Ảnh minh họa |
Theo đó, trong từng giai đoạn kinh doanh, TVB sẽ phải tổ chức phân tích, đánh giá trên cơ sở hoạt động thực tế để thêm hoặc bớt các mã cho vay ký quỹ tại TVB và thông báo các mã chứng khoán bị loại khỏi danh mục cho vay ký quỹ của Công ty tới các nhà đầu tư dựa trên các yếu tố cơ bản như: Bối cảnh chung của thị trường chứng khoán; diễn biến cung cầu và sự biến động giá của các cổ phiếu; chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp và định hướng kinh doanh; quản trị rủi ro theo từng thời kỳ của Công ty. Một số mã cổ phiếu có biến động tăng giá mạnh nhưng không đi kèm với hiệu quả tăng trưởng kinh doanh tương ứng của doanh nghiệp, hoặc chất lượng báo cáo tài chính có những vấn đề chưa thuyết phục về hiệu quả sẽ bị xem xét đưa ra khỏi danh mục cho vay của TVB. Lấy ví dụ, có những trường hợp mã cổ phiếu tăng giá rất mạnh trong một năm qua nhưng không đi kèm với hiệu quả tăng trưởng kinh doanh tương ứng đã bị TVB đưa ra khỏi “danh mục chứng khoán giao dịch ký quỹ”.Về vấn đề này, ông Vũ Văn Toản - Trưởng ban Kinh doanh TVB cho biết: “TVB có quyền lựa chọn cổ phiếu cho vay ký quỹ theo định hướng kinh doanh và quản trị rủi ro của TVB. Cụ thể, theo Điều 4 tại Quyết định 87/QĐ-UBCK ngày 25/01/2017 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc ban hành quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán có quy định: Lựa chọn và công bố danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ. Khoản 2 nêu rõ: "Trên cơ sở danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do Sở Giao dịch chứng khoán công bố theo quy định tại khoản 1 Điều này, công ty chứng khoán lựa chọn danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày Sở Giao dịch chứng khoán công bố danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công ty chứng khoán có trách nhiệm công bố công khai danh sách tất cả chứng khoán mà công ty thực hiện giao dịch ký quỹ tính đến thời điểm công bố trên website và các địa điểm kinh doanh của công ty chứng khoán”.Ông Vũ Văn Toản cũng giải thích: “Ví dụ có 100 công ty có mã chứng khoán đủ điều kiện giao dịch ký quỹ nhưng chúng tôi rà soát và lựa chọn ra 70 hoặc 80 khách hàng là quyền của chúng tôi. Thực tế đây là việc hết sức bình thường. Để thực hiện giao dịch ký quỹ, để có khách hàng, có lợi nhuận, doanh nghiệp nào cũng mong muốn như vậy. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả quản trị, giảm thiểu sự rủi ro trong hoạt động kinh doanh, từng doanh nghiệp phải có sự cân nhắc, lựa chọn khách hàng mục tiêu theo những tiêu chí, yêu cầu riêng nhằm hướng đến sự an toàn, phục vụ phát triển bền vững”.Nếu thực sự những mã cổ phiếu hiệu quả bị TVB tính toán, loại “nhầm” ra khỏi “danh mục chứng khoán giao dịch ký quỹ” của mình, thì người chịu thiệt chính là TVB. Khi một doanh nghiệp danh tiếng, hoạt động hiệu quả, thì “anh” bước vào chỗ nào cũng sẽ được “trải thảm đỏ”, mời làm bạn hàng, cùng hợp tác kinh doanh. Và việc loại “nhầm” của TVB sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của TVB và chỉ riêng TVB phải gánh chịu. Đưa ra một quyết định kinh doanh như TVB và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình cũng là việc bình thường.Vậy mà có doanh nghiệp không hiểu như vậy và đã gửi công văn yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thanh tra TVB. Lý do doanh nghiệp nọ đưa ra là việc thông báo loại mã cổ phiếu của họ ra khỏi danh mục cho vay margin của TVB sẽ làm ảnh hưởng tới giá cổ phiếu và hình ảnh của doanh nghiệp. Thực tế như đã phân tích, nếu doanh nghiệp làm ăn hiệu quả mà TVB không mặn mà “bắt tay” thì thiếu gì nơi để họ hợp tác kinh doanh cùng có lợi? Mà như thế, chỉ mình TVB chịu thiệt hại, không liên quan đến ai! Tất cả những mã cổ phiếu đã bị loại khỏi danh mục cho vay của TVB, TVB đã gửi thông báo rất rõ ràng đến khách hàng và nhà đầu tư nên sẽ không làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và quyền lợi của khách hàng tại TVB. Chính vì vậy, những thông tin về việc TVB lược các mã ra khỏi danh mục cho vay ký quỹ mà không có thông báo và lý do cụ thể là không chính xác. Việc các công ty chứng khoán trong đó có TVB tiến hành rà soát và loại bớt mã theo định hướng phát triển của doanh nghiệp là hoàn toàn tuân thủ theo quy định của pháp luật. Dân gian Việt Nam có câu thành ngữ: “Vắng mợ thì chợ vẫn đông. Mợ đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”. Cuộc chơi là vậy! Làm ăn thì cũng phải cân nhắc, suy tính và chịu trách nhiệm về quyết định của mình để hướng tới những mục tiêu đặt ra. Thành hay bại đâu có thể trông chờ hoặc đổ vấy cho ai được.