Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ giá giảm mạnh dù FED tăng lãi suất

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm mạnh tỷ giá trung tâm 10 đồng/USD xuống mức 22.252 đồng/USD.

Diễn biến trên của tỷ giá trung tâm cùng chiều với xu hướng giảm mạnh của đồng USD trên thế giới.
Quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 0,75 - 1% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không nằm ngoài dự đoán của thị trường. Kỳ vọng FED tăng lãi suất đã được phản ánh vào giá, giới đầu tư đã chuẩn bị sẵn tâm lý và thị trường có thể phản ứng hoàn toàn ngược lại so với các quyết định mà cơ quan quản lý chính sách tiền tệ các nước đưa ra. Gần đây, đồng USD thậm chí được dự báo sẽ giảm khoảng 4% so với 10 đồng tiền chủ chốt trong vòng 3 tháng sau quyết định tăng giá lần thứ 3 của FED.

Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Điều quan trọng hơn mà các nhà quan sát và giới đầu tư chờ đợi ở cuộc họp lần này của FED là những tín hiệu về đường đi của lãi suất trong những tháng sắp tới. Đại diện FED cho biết sẽ nâng lãi suất lên "từ từ", dựa vào các số liệu kinh tế vĩ mô, tình trạng việc làm và lạm phát mục tiêu 2%. Đồng thời giữ nguyên dự báo có thêm 2 lần điều chỉnh trong năm nay và 3 lần trong năm 2018. Đây là lý do khiến đồng USD nhanh chóng tụt giảm ngay sau quyết định này trong khi giá vàng đã tăng vọt.
Trong nước, sáng 16/3, tỷ giá USD/VND niêm yết tại quầy của nhiều ngân hàng đã giảm trên dưới 50 đồng/USD về 22.810 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá USD/VND được niêm yết ở mức 22.730 – 22.800 đồng/USD (mua vào – bán ra), giảm 60 đồng/USD so với cuối ngày 15/3. Tại các ngân hàng như BIDV, Vietinbank, Techcombank, ACB… giá USD được ngân hàng bán ra ở mức lần lượt là 22.800 đồng và 22.820 đồng/USD, giảm từ 50 - 60 đồng/USD. Không có nhiều giao dịch USD trên thị trường mặc dù nguồn cung được chào từ các tổ chức tín dụng vẫn ổn định. Giá USD tự do giao dịch ở mức mua vào 22.800 đồng/USD và bán ra ở mức 22.830 đồng/USD, giảm 30 đồng/USD.
Theo các chuyên gia, vẫn còn sớm để ghi nhận hết những phản ứng của tỷ giá USD/VND sau sự kiện FED tăng lãi suất, song thông điệp từ NHNN sẽ vẫn cố gắng điều hành và can thiệp để tỷ giá không bị biến động quá mạnh, một mặt vẫn đảm bảo tính thị trường, một mặt không để tác động lớn đến vĩ mô (lãi suất, xuất nhập khẩu, hoạt động của DN…) do đó dù diễn biến quốc tế sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng thực sự không đáng ngại.
“Lãi suất và tỷ giá đồng USD tăng sẽ làm chi phí trả nợ tăng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây Việt Nam đã thành công trong việc chuyển cơ cấu nợ, tăng nợ tiền đồng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015, nợ bằng USD chỉ còn chiếm 16% trong danh mục nợ. Thực tế đồng USD trong nước đã tăng vào dịp cuối 2016 và đầu 2017, nhưng lạm phát vẫn thấp do Chính phủ đã kiểm soát tốt những yếu tố khác tác động đến lạm phát” - ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn phân tích. Trong khi ở nguồn cung ngoại tệ của ngân hàng thời điểm hiện tại có dấu hiệu tăng trở lại, đặc biệt  là tại các ngân hàng lớn.q
 
Cùng với phiên tăng mạnh của giá vàng trên thị trường thế giới, giá vàng miếng trong nước đầu giờ sáng 16/3 tăng 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra, nhưng đến cuối giờ sáng đã giảm 40.000 đồng/lượng, giao dịch tại 36,58 - 36,83 triệu đồng/lượng.