Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ lệ thừa cân béo phì học sinh Hà Nội là 18,6%

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/11, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức Hội nghị khoa học Y tế Dự phòng Hà Nội lần thứ hai với chủ đề "Nghiên cứu khoa học để hội nhập và phát triển".

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về chuyên đề phòng chống bệnh không lây nhiễm, sức khỏe môi trường. Trong đó đã nhắc đến tỷ lệ thừa cân béo phì của học sinh ở Hà Nội là 18,6%.

 

Tại hội nghị, trong số 8 nghiên cứu khoa học xuất sắc được báo cáo, nghiên cứu về thực trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan đến thừa cân béo phì của học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Hà Nội năm 2017 được nhiều đại biểu quan tâm. Đại diện nhóm nghiên cứu, bà Trần Thị Huyền Trang – Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, tỷ lệ thừa cân và béo phì của học sinh lớp 5,9 và 12 năm 2017 ở Hà Nội là 18,6%. Trong đó, tỷ lệ học sinh ở tình trạng thừa cân là 12,9% và béo phì là 5,7%. Tỷ lệ nghiên cứu cao hơn so với tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009 – 2010 trên toàn quốc.

Đặc biệt, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở khu vực nội thành cao hơn khu vực ngoại thành và cao hơn tỷ lệ chung của toàn TP. Tỷ lệ thừa cân béo phì của học sinh giảm dần khi lứa tuổi tăng dần và cao nhất ở học sinh lớp 5. Bên cạnh đó, yếu tố giới tính có liên quan đến thừa cân, béo phì. Bởi, theo nghiên cứu, học sinh nam có nguy cơ thừa cân béo phì cao hơn học sinh nữ.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong suốt 55 năm hình thành và phát triển, hệ thống Y tế Dự phòng Thủ đô luôn luôn hoạt động với phương châm “dự phòng tích cực và chủ động” và đạt được các thành tựu nổi bật đó là triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh và các chương trình mục tiêu Y tế Quốc gia và TP.

Hội nghị khoa học Y tế Dự phòng Hà Nội lần thứ hai không chỉ nhận được sự quan tâm của các Nhà khoa học, cán bộ làm công tác y học dự phòng đến từ các đơn vị y tế Hà Nội mà còn nhận được sự quan tâm của các Nhà khoa học đến từ các đơn vị của T.Ư, các tỉnh/thành bạn và các tổ chức quốc tế như WHO, CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ) và các chuyên gia đến từ Nhật Bản. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, cán bộ làm công tác y tế dự phòng cập nhật, chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học với nội dung đa dạng, phong phú và bao trùm hầu hết các lĩnh vực y tế dự phòng.

“Tại hội nghị này, chúng ta có cơ hội học hỏi, chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia trong nước, chuyên gia Quốc tế trong tổ chức, triển khai công tác y tế dự phòng theo mô hình CDC” – TS Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.